Thủ tướng yêu cầu làm rõ mất 2,4 tỷ USD/năm vì không sử dụng cảng nước sâu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phản ánh của báo chí liên quan đến việc không sử dụng cảng nước sâu tại Cái Mép - Thị Vải gây tổn thất 2,4 tỷ USD/mỗi năm.
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải tổ chức kiểm tra và xử lý phản ánh của ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) vì cho rằng: Hiện cả nước có hơn 80% lượng hàng container xuất nhập khẩu vẫn phải sử dụng cảng biển và tàu cỡ nhỏ gây rất nhiều tổn phí và cả tổn phí cơ hội cho các chủ hàng.
Trong khi đó, chúng ta có khu vực cụm cảng Cái Mép -Thị Vải là cụm cảng nước sâu duy nhất ở Việt Nam có thể tiếp nhận tàu có tải trọng lên đến 18.000 TEU.
Nếu một tàu container thay vì đang bốc xếp dỡ tại cảng Cát Lái, chuyển qua sử dụng cảng Cái Mép - Thị Vải có thể tiết kiệm được 300 USD/container.
Theo ông Lân, nếu tiếp tục xếp dỡ tại các cảng nhỏ, không sử dụng các cảng nước sâu, với kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 11 tỷ USD, tính ra các DN đang phải chịu chi phí cao dẫn đến tổn thất hơn 2,4 tỷ USD mỗi năm do không sử dụng được cảng nước sâu.
Trước đó theo báo Hải quan, các chuyên gia của VPA cho rằng hiện nay, cả nước có 44 cảng biển (250 bến cảng) với 59.405m dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế đạt 470 - 500 triệu tấn hàng/năm.
Tuy nhiên, hiện nhiều cụm cảng biển được đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng không được phát huy công suất, tận dụng hết năng lực, gây lãng phí ngân sách và đầu tư.
Thời gian vừa qua việc đầu tư cảng biển đã không chú trọng đến hệ thống giao thông kết nối cảng khiến nhiều cảng biển rơi vào thế bị “cô lập”. Hầu hết các trục đường giao thông nối với cảng biển đang xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các cảng.
Bên cạnh đó, quy hoạch cảng biển của Việt Nam chỉ dựa vào GDP hàng năm để dự báo tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua cảng trong những năm tới, chứ chưa có số liệu về lượng hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
An Linh