Tội danh mà Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị khởi tố thuộc nhóm tội phạm tham nhũng

Tội danh mà ông Phạm Thái Hà, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bị khởi tố thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, có khung hình phạt từ 20 năm tù đến chung thân.

 

 

Theo Bộ Công an, mở rộng điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan, ngày 21-4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định, lệnh khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét khẩn cấp đối với ông Phạm Thái HàTrợ lý Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Hà bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo quy định tại khoản 4, Điều 358 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngày 22-4, VKSND Tối cao phê chuẩn các lệnh, quyết định nêu trên. Sau khi VKSND Tối cao phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã thi hành các lệnh, quyết định này.

Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt giam. Ảnh: CA

Từ vụ án này, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều thắc mắc của bạn đọc liên quan đến tội danh mà ông Phạm Thái Hà vừa bị Bộ Công an khởi tố.

Theo BLHS, tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358 BLHS) thuộc nhóm các tội phạm tham nhũng (Chương XXIII của BLHS - các tội phạm về chức vụ).

Đối với tội này, người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, có động cơ vụ lợi về tiền, lợi ích vật chất khác hoặc cũng có thể vì lợi ích phi vật chất. Người phạm tội biết rõ hành vi là sai luật nhưng vẫn cố tình thực hiện, làm ảnh hưởng đến hoạt động công vụ đúng đắn, vì lợi ích cá nhân nên vẫn làm.

Cụ thể, người có chức vụ, quyền hạn đã thỏa thuận, hứa hẹn và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất khác… của người khác để giúp người này giải quyết các vấn đề theo yêu cầu.

Sau đó, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng ảnh hưởng, vị trí của mình để tác động đến người thực thi công vụ (thường là ngang cấp hoặc cấp dưới, có thể cùng hoặc khác cơ quan, đơn vị) để giúp cho người đã đưa tiền cho họ. Công vụ đó phải liên quan đến người đưa tiền cho người phạm tội này.

 

Tác động ở đây có thể mang tính chất gợi ý, cũng có thể là “chỉ đạo” để làm cho người đang thi hành công vụ làm đúng theo ý đồ của người có chức vụ, quyền hạn và có lợi cho người đã cung cấp lợi ích cho họ.

Ngang cấp hoặc cấp dưới ở đây có thể hiểu theo nghĩa rộng, chẳng hạn như giám đốc sở này tác động qua giám đốc sở kia; lãnh đạo huyện này nhờ lãnh đạo huyện kia; chủ tịch tỉnh tác động xuống chủ tịch huyện…

Tội phạm hoàn thành khi người có chức vụ, quyền hạn đã thỏa thuận, hứa hẹn và nhận tiền hoặc lợi ích vật chất từ người khác.

Hình phạt có thể lên đến chung thân

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên.

(Theo Điều 358 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Các bài đã đăng