Đức ngưng miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao VN

Tòa đại sứ của Việt Nam tại Berlin, Thủ đô CHLB Đức, là nơi bị nghi là có liên quan tới ‘vụ bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh, theo chính quyền Đức.

Chính phủ Đức đã tạm dừng chế độ cho phép quan chức cao cấp Việt Nam mang hộ chiếu ngoại giao nhập cảnh Đức không cần visa, một quan chức trong Bộ Ngoại giao nói với kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) hôm 21/12/2017 với điều kiện ẩn danh.

Tin này đã được bàn thảo trong cộng đồng Việt Nam tại Berlin từ lâu nay nhưng nay là lần đầu tiên đài phát thanh quốc tế DW của Đức xác nhận.

 

Quan chức Đức nói với DW cũng cho biết thêm rằng một số quan chức cao cấp của Việt Nam đã bị từ chối nhập cảnh vào Đức trong thời gian qua.

Người này bình luận rằng trước đây quan hệ Đức – Việt đã từng rất ‘gần gũi và đáng tin cậy’, nhưng nay bị tổn hại nặng nề kể từ ‘vụ bắt cóc’ ông Trịnh Xuân Thanh.

 

 
 
Nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là diễn biến nghiêm trọng nhất năm 2017 trong quan hệ Việt – Đức

Cho đến nay, Việt Nam vẫn khẳng định ông Thanh “tự về nước” để ra đầu thú, theo DW.

Đức đã kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo xét xử công bằng cho ông Trịnh Xuân Thanh và vụ việc phải được giám sát bởi các nhà quan sát quốc tế, vị quan chức ẩn danh nói.

Chính phủ Đức và Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đang theo dõi chặt chẽ các tiến triển của vụ việc và mong đợi những kết quả tích cực và phía Việt Nam biết phải làm gì để hàn gắn hỏng hóc trong quan hệ, quan chức này được Deutsch Welle dẫn lời nói hôm thứ Năm.

Bui Quang Hieu
Trong một động thái bất thường, phía Đức trao trả cho chủ xe từ CH Czech chiếc ô-tô ghi lại nhiều dấu vết mà cảnh sát Berlin và An ninh Liên bang nói là ‘đầy dấu vết” của vụ “bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh”.

Hôm thứ Sáu, 22/12, BBC Việt ngữ đã liên lạc được với một trong các luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức để được biết phản ứng của luật sư này:

“Tất nhiên tôi liên tục giữ liên lạc với chính quyền Đức,” Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf cho BBC Việt ngữ hay.

“Xin vui lòng thông cảm rằng không thể cung cấp thông tin cụ thể cho công chúng, nhưng tôi có thể đảm bảo rằng chính phủ Đức đang làm những gì cần làm để tìm một giải pháp cho vụ án của thân chủ của tôi.

Ông Trịnh Xuân Thanh
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang bị cơ quan điều tra của Việt Nam truy tố về nhiều tội danh khác nhau, trong đó có tội danh cố ý làm trái và tham ô tài sản, theo truyền thông nhà nước

“Từ phía tôi, tôi đang hỗ trợ những gì mà chính quyền Đức đang làm trong vấn đề này. Điều mà bài báo trên kênh truyền hình Deutsche Welle nói là đúng. Tôi chắc chắn là vẫn giữ liên lạc thường xuyên với đội ngũ bảo vệ pháp lý tại Việt Nam. Nhưng xin thông cảm rằng tôi không thể đưa ra thêm chi tiết trong tình hình hiện nay,” Luật sư Schlagenhauf cho biết.

‘Không đếm tiền’

Hôm 22/12, nhiều báo chính thống của nhà nước ở Việt Nam đồng loạt đưa tin về vụ án với ông Trịnh Xuân Thanh và cho hay ông Trịnh Xuân Thanh ‘từng có tiền án, tiền sự’, theo lý lịch bị can tại kết luận điều tra của Cơ quan Điều tra của Bộ Công An, công bố hôm thứ Sáu.

Luật sư Petra Isabel Schlagenhauf
Luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức, bà Petra Isabel Schlagenhauf, nói bà đang hợp tác với chính quyền Đức liên quan vụ việc của thân chủ Trịnh Xuân Thanh

 

Theo các báo này, ông Thanh từng ‘vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải’ và ‘cố ‎gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe’ nhưng báo không cung cấp thông tin vụ việc xảy ra khi nào, ở đâu.

Vẫn theo bản kết luận điều tra này, ông Trịnh Xuân Thanh cũng bị khởi tố hôm 9/12 về tội ‘tham ô tài sản’. Kết luận điều tra cũng nêu rõ việc ông Đinh Mạnh Thắng, em ruột cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, đã “đưa cho Trịnh Xuân Thanh một vali tiền”.

Theo các báo từ Việt Nam, ‘ông Thanh khai’ ông Thắng cho lái xe ‘mang vali’ đến tận nhà riêng, tuy nhiên khi mở ra ‘thấy tiền’ thì ông Thanh ‘không đếm nên không rõ bao nhiêu’.

Đây là các thông tin từ phía báo chí chính thống của Việt Nam được đưa ra trong quá trình ông Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị điều tra và truy tố, hoặc thi hành án, cùng với nhiều bị can, bị cáo khác, BBC chưa có dịp kiểm chứng các thông tin trên, cũng như chưa có điều kiện liên lạc với các luật sư tại Việt Nam mà chính quyền đồng ý cho bảo vệ quyền lợi của ông Thanh trong vụ án.

 

 
 
Khách mời của BBC bình luận về hệ lụy của vụ Trịnh Xuân Thanh cho quan hệ Đức – Việt

Quan hệ tiếp tục xuống dốc

Về quan hệ với Đức, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng lên tiếng “lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2/8 về vụ Trịnh Xuân Thanh”.

Bà Lê Thị Thu Hằng cũng được báo Việt Nam trong tháng 8 trích lời nói “Việt Nam luôn coi trọng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức”.

Tuy thế, trả lời BBC hôm 21/12 từ Berlin, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng vẫn bình luận rằng vụ Trịnh Xuân Thanh là vấn đề nghiêm trọng nhất trong quan hệ Đức – Việt năm 2017.

Ông nói: “Hệ lụy của vụ này thể hiện rất nhiều mặt và mức độ nặng nhẹ tùy theo người Việt Nam ở vị trí nào, xuất xứ ra đi của họ ra sao.

“Có thể lấy vài ví dụ, ở tầm vĩ mô, do việc nước Đức đã xóa bỏ quy chế trong hợp tác với Việt Nam, nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án, chương trình lớn viện trợ, hợp tác về mặt kinh tế, quân sự, văn hóa đối với Việt Nam.

“Những người nào có quan tâm hay có liên quan những dự án đó, đương nhiên công việc của họ bị ảnh hưởng và tôi cũng được một số bạn bè chia sẻ là họ cũng cảm thấy lo ngại nếu những công việc đó bị dậm chân tại chỗ thì các công việc và thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng.

“Thứ hai, đối với chính sách với Việt Nam trong việc xuất nhập cảnh thì chắc chắn phía Đức cũng làm chặt chẽ hơn, nó cũng gây ra nhiều trở ngại, nhiều người lo lắng ở chỗ tới đây việc đoàn tụ gia đình, thăm thân hay đón đưa những người từ Việt Nam sang đây công tác, du học hay thăm thân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Thứ ba, mối liên hệ giữa người Đức với người Việt ở Berlin cũng vậy, người ta cũng thận trọng hơn vì dẫu sao người ta cũng e ngại liệu những quan hệ đó cũng có thể động chạm đến an ninh của Đức

“Và những mối quan hệ đặc biệt với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở đây như Tòa Đại sứ hay các cán bộ ngoại giao, dường như ai cũng bắt buộc phải có cái nhìn lại, nhận xét lại,” nhà báo Lê Mạnh Hùng nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 22/12 từ Berlin.

BBC

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng