Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức sẽ theo dõi phiên tòa xét xử

Trịnh Xuân Thanh trên tờ Suedeutsche Zeitung của Đức.

Trịnh Xuân Thanh trên tờ Suedeutsche Zeitung của Đức.

Vụ án xét xử ông Trinh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam (PVC), người mà chính phủ Đức nói đã bị mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin, dự kiến diễn ra trong vài tuần tới, sẽ được Đức theo sát.

Sứ quán Đức cho VOA biết trong một email ngày 20/12: “Chúng tôi dự tính sẽ quan sát phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh.”

Cơ quan đại diện ngoại giao của Đức tại Việt Nam không cho biết rõ khi được hỏi liệu họ có cử người tới tham dự phiên tòa này hay không.

“Rõ ràng là có nguy cơ tòa có thể tuyên án tử hình.”
Luật sư Petra Schlagenhauf

Trong khi đó Dân biểu quốc hội Đức Martin Patzelt hôm 21/12 nói với VOA rằng cá nhân ông cũng sẽ quan sát phiên xử từ Đức vì ông không thể đến Hà Nội do “tình huống ngoại giao giữa Việt Nam và Đức”.

Phiên tòa xử ông Thanh có nhiều khả năng sẽ bắt đầu vào ngày 10/1/2018, theo luật sư người Đức từng làm thủ tục xin tị nạn cho ông Trịnh Xuân Thanh, bà Petra Schlagenhauf. Chính phủ Việt Nam cáo buộc ông Thanh đã gây thất thoát 3.300 tỷ đồng (gần 147 triệu USD) trong thời gian lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng của PetroVietnam (PVC).

Trong một email hôm 21/12, Luật sư Schlagenhauf nói với VOA rằng bà không chắc chắn có thể tới Việt Nam dự phiên tòa hay không, nhưng bà có những “cộng sự ở Việt Nam đang làm việc để giúp bào chữa cho thân chủ” của bà.

Ông Trịnh Xuân Thanh, theo cáo buộc của phía Đức, bị bắt cóc từ Berlin và đưa về Việt Nam hôm 23/7, ông được coi là một ‘mắt xích quan trọng’ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chiến dịch gọi là “đốt lò” của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã gây chấn động sau khi Ủy viên bộ Chính trị Đinh La Thăng bị bắt hôm 8/12. Ông Trịnh Xuân Thanh được coi là “thuộc hạ thân tín” của ông Đinh La Thăng. Cả 2 từng là lãnh đạo ngành dầu khí và bị Hà Nội cáo buộc tội danh “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”

“Rõ ràng là có nguy cơ tòa có thể tuyên án tử hình,” luật sư Schlagenhauf dự báo về phán quyết trong vụ án xét xử Trịnh Xuân Thanh. “Hơn nữa, tôi cho rằng kết luận cho rằng thân chủ của tôi là có tội đã được định trước. Phiên xét xử này sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn của một vụ xét xử công bằng. Sự thể đó là điều không thể chấp nhận được.”

Dân biểu quốc hội Patzelt, người từng đến Hà Nội tham dự phiên tòa xử blogger nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sam) nhưng không được vào phòng xử, cho biết ông “hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ bảo đảm vụ án xét xử ông Trịnh Xuân Thanh ở Hà Nội phải công bằng theo tiêu chuẩn của luật pháp.”

Dân biểu quốc hội Đức Martin Patzelt tại Hà Nội khi muốn tham dự phiên xử blogger/nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) vào năm 2016 nhưng không được vào.

Dân biểu quốc hội Đức Martin Patzelt tại Hà Nội khi muốn tham dự phiên xử blogger/nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) vào năm 2016 nhưng không được vào.

Dân biểu thuộc Đảng liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ những nhà tranh đấu nhân quyền Việt Nam nói vì ông Trịnh Xuân Thanh không phải là một nhà hoạt động nên ông, với tư cách một nhà chính trị, không thể đến dự phiên tòa sắp tới tại Hà Nội.

Một số dân biểu quốc hội Đức từng lên tiếng kêu gọi trừng phạt Hà nội vì hành động bắt cóc người trên đất Đức, một hành động bị chính quyền Đức coi như “vi phạm trắng trợn” luật pháp của nước họ.

Chính phủ Đức đã trục xuất 2 nhà ngoại giao Việt Nam tại Berlin và đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau khi Hà Nội loan báo tin Trịnh Xuân Thanh đã tự ý trở về nước và ra đầu thú. Đức khẳng định rằng chính phủ Việt Nam “biết phải làm gì để giải quyết tình huống căng thẳng ngoại giao sau vụ bắt cóc” mà theo phía Đức, đã được đại sứ quán Việt Nam ở Berlin hỗ trợ.

“Vali tiền 14 tỷ đồng”

Ông Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, đã nộp hồ sơ xin tị nạn ở Đức trước khi ông bị bắt và đưa về Việt Nam. Báo Thanh niên nói ông bị đề nghị truy tố tội tham ô.

Báo Thanh Niên hôm 21/12 tường thuật rằng ông Thanh là 1 trong 7 bị can sẽ bị truy tố trong vụ “tham ô tài sản” tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí (PVP Land).

Theo lời khai của ông Đinh Mạnh Thắng, em của cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, cũng bị bắt giam cùng với anh vào ngày 8/12, ông Thanh đã nhận một vali tiền chứa khoảng 14 tỷ đồng trong thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại PVP Land.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an nói ông Trịnh Xuân Thanh đã “thông đồng” với các đối tượng liên quan “để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất.

Việc thanh toán hợp đồng này, theo ghi nhận của Thanh Niên, đã tạo ra chênh lệnh giá cho phép các bị can chiếm đoạt cổ phần trị giá hơn 87 tỉ đồng của PVP Land (trong đó có tài sản nhà nước). Giá trị tài sản được cho là đã bị các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỉ đồng.

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng