Châu Âu “trong không ấm, ngoài không êm”
Thông báo bất ngờ hồi tháng 7 rằng Iran đang đàm phán một thỏa thuận song phương 25 năm với Trung Quốc đã làm xôn xao Trung Đông và phương Tây trong 2 tháng qua. Thỏa thuận này quan trọng tới mức Iran coi đó là một chiến lược tương lai mà không thế lực chính trị trong nước nào có thể hủy hoại.
Trên thực tế, kết quả của vòng thứ 2 bầu cử nghị viện Iran vào cuối tuần trước đã càng củng cố thực tế này. Do không có sự thay đổi nào vể tỷ lệ đa số thành viên theo quan điểm bảo thủ trong nghị viện, vốn thường hoài nghi về quan hệ với phương Tây, sự chấm dứt từ từ của nỗ lực hòa giải với phương Tây của Iran gần như chắc chắn.
Một tình huống tương tự cũng xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ khi căng thẳng giữa Ankara với các đối tác trong NATO leo thang nghiêm trọng. Việc xử lý mối quan hệ với 2 nước này đã trở thành "cơn đau đầu" của châu Âu trong thời gian qua.
Mặc dù các nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đều nói về sự độc lập trong việc đưa ra các chính sách nhưng trên thực tế, cả hai đều cần các đối tác. Tehran và Ankara hy vọng có thể tìm thấy những đối tác ở châu Âu nhưng châu Âu đang quá bận rộn với việc giải quyết những vấn đề nội tại của mình và hầu như không còn thời gian để quan tâm tới các vấn đề khác bên ngoài biên giới. Do việc hợp tác với châu Âu không có một con đường rõ ràng nên hai nước trên đã bắt đầu tìm hướng đi mới cho mình.
Trong những năm qua, những người theo đường lối ôn hòa ở Iran, dẫn đầu là Tổng thống Hassan Rouhani và Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif đã hối thúc các nước châu Âu đàm phán với Mỹ và tiếp tục thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015 giữa các nước này với Iran.
Dù vậy, bản thân mỗi nước châu Âu, vốn đang đau đầu giải quyết các vấn đề nội tại của mình, đều ngần ngại phản đối chính quyền Tổng thống Trump và đứng về phía Iran. Chẳng hạn, Anh đang "để mắt" đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ trong khi Pháp lại bận đối phó với sự can thiệp của Iran ở các quốc gia mà nước này cũng có lợi ích như Libya, còn Đức cũng bị phân tâm khi nhiệm kỳ Thủ tướng của bà Angela Merkel sắp kết thúc.
Những lý do trên đã khiến cho châu Âu không thể đưa ra các tuyên bố và hành động thống nhất. Tuần trước, Pháp, Anh và Đức cuối cùng đã đưa ra được một thỏa thuận nhỏ liên quan đến lệnh trừng phạt "chuyền lùi" nhằm chống lại Iran. Các nước trên đều nhất trí sẽ không tái áp đặt các lệnh trừng phạt với Tehran và thảo luận lại với Liên Hợp Quốc vào cuối tháng này. Trên thực tế, đây chỉ là những động thái không đáng kể sau nhiều tháng đàm phán trong khi giới chức Iran kỳ vọng châu Âu sẽ có những hành động mạnh mẽ và quyết đoán hơn.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang “trượt” khỏi quỹ đạo châu Âu
Nền kinh tế Iran đang chật vật khi tổn thất hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ kể từ khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này cách đây 2 năm. Một số nhà quan sát cho rằng Tehran có thể sẽ quay sang tìm kiếm sự ủng hộ từ một nước lớn nào đó, chẳng hạn như Trung Quốc.
Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan đang tìm kiếm một hướng đi mới cho đất nước này, một điều mà bất kỳ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nào đều sẽ phải làm khi đối mặt với việc không thể thúc đẩy quá trình hoàn tất thủ tục để trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu.
Ông Erdogan đã lựa chọn một con đường mang tính đối đầu nhiều hơn là ôn hòa. Trên thực tế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định lập trường này thậm chí trước khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố cách đây 2 năm rằng hầu như có rất ít cơ hội đạt được tiến triển thực sự trong quá trình thảo luận về sự gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Iran và Thổ Nhĩ Kỳ "trượt" khỏi quỹ đạo của châu Âu, đây sẽ là một sai lầm chiến lược của phương Tây. Trong trường hợp Tehran liên minh với Bắc Kinh, điều này sẽ khiến Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng rộng khắp từ Địa Trung Hải tới Biển Arab.
Tuy nhiên, châu Âu bị xao lãng bởi quá nhiều vấn đề để đưa ra một kế hoạch chung thống nhất nhằm có những động thái thực tế, đáng chú ý là việc Anh rời Liên minh châu Âu và những tác động của đại dịch Covid-19.
Nhân tố thay đổi và thế khó của châu Âu
Dù vậy, vẫn có một nhân tố có thể thay đổi tình hình hiện nay, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Hôm 13/9, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, đồng thời là Phó Tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama đã viết một bài báo cho CNN, trong đó khẳng định Nhà Trắng của ông sẽ cho Tehran "một con đường đáng tin để quay lại đàm phán" và Mỹ sẽ tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran.
Điều này dường như là những điều mà châu Âu đang mong chờ. Nếu có sự thay đổi từ Washington, châu Âu cũng sẽ có sự dịch chuyển đối với chiến lược của mình. Tuy nhiên, thời gian và tình thế đều đang không đứng về phía họ.
Một trong những lý do đó là câu chuyện chính trị nội bộ của Tehran, khi những người theo quan điểm bảo thủ ở Iran có thể sẽ chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 6 năm sau ở nước này. Cuộc cạnh tranh nhằm thay thế vị trí của ông Rouhani đang diễn ra rất quyết liệt và một câu hỏi để ngỏ là nếu đắc cử, liệu ông Biden có thể thuyết phục được Iran tin tưởng vào Mỹ chỉ trong một vài tháng hay không. Nếu một người mang nặng quan điểm bảo thủ trở thành Tổng thống Iran, việc nối lại đàm phán hoặc hòa giải với Mỹ sẽ trở nên ngày càng bất khả thi.
Lý do thứ hai đơn giản nằm ở vấn đề chiến lược. Thậm chí cả các chính trị gia Iran tin tưởng vào Mỹ nhất chắc chắn cũng sẽ đặt câu hỏi liệu một thỏa thuận mới có đáng để họ ký kết hay không. Dù sao Mỹ đã từng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và nếu ông Biden đắc cử, ông có thể sẽ chỉ làm việc trong một nhiệm kỳ. Dường như không khó để lựa chọn giữa một thỏa thuận 25 năm với Trung Quốc và một thỏa thuận đầy bất định sau 4 năm với Mỹ.
Bị châu Âu "lạnh nhạt", cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ dù theo các cách khác nhau nhưng đều có cùng một mục tiêu, đó là tìm kiếm các đồng minh mới. Có thể chờ đến khi châu Âu sẵn sàng quay lại "hâm nóng" quan hệ với Tehran và Ankara thì cả hai nước này đều đã bước vào mối quan hệ mới ổn định và lâu dài với một bên khác rồi./.