Điểm tựa cho cộng đồng người Việt ở St. Petersburg chống COVID-19
Đại dịch COVID-19 hoành hành tại nước Nga gây ra nhiều thiệt hại cho người Việt làm ăn sinh sống và học tập tại xứ sở Bạch Dương. Cộng đồng người Việt ở St. Petersburg cũng không tránh khỏi vòng xoáy này, song một lần nữa tình người, tinh thần tương thân tương ái đã trở thành điểm tựa cho những người con đất Việt vượt qua cuộc khủng hoảng.
Phóng viên trao đổi với gia đình các thành viên trong Ban chống dịch COVID-19 cộng đồng người Việt ở St. Petersburg. Ông Đào Đại Hải (thứ 2 bên trái), chị Trịnh Thị Đào (thứ 3 bên trái) – các thành viên Ban chống dịch cộng đồng.
Dù không lớn như cộng động người Việt ở thủ đô Moskva, song công cuộc chống dịch COVID-19 của cộng đồng người Việt ở thủ đô phương bắc của nước Nga cũng có nhiều điểm đặc biệt cũng như kinh nghiệm đáng để học tập.
Theo thông tin trên trang tương trợ của cộng đồng người Việt ở St. Petersburg thì chính thức tại thành phố đã ghi nhận hơn 60 người Việt nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Tuy nhiên qua trao đổi với những người có trách nhiệm trong cộng đồng, con số này có thể lên đến 100 người.
Những người Việt sinh sống lâu dài tại St. Petersburg chủ yếu đều ở căn hộ riêng nên có nhiều khả năng phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên với các lưu học sinh, nghiên cứu sinh học tập ở đây, do sống trong ký túc xá chung, lại chưa có kiến thức về chủng virus mới nên rất nhiều em đã lây nhiễm chéo, kể cả những trường hợp bệnh nặng.
Trong giai đoạn đỉnh điểm, các bệnh viện ở St. Petersburg cũng quá tải, và chỉ bệnh nhân nặng mới được nhập viện. Quy định đó đương nhiên gây tâm lí lo ngại, hoang mang cho các lưu học sinh bị bệnh.
Lặn lội xuống ký túc xá số 5 Đại học Lâm nghiệp St. Petersburg, ở số 35 phố Novorossiyskaya, một trong những “ổ dịch sinh viên” của người Việt, chúng tôi được biết ổ dịch bùng phát hồi nửa đầu tháng 5. Qua giới thiệu, các em sinh viên đã đồng ý trả lời phỏng vấn của chúng tôi ngoài cửa ký túc xá xong đề nghị không nêu rõ danh tính dù đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Em Tr, sinh viên năm thứ nhất cho biết ký túc xá có 33 người Việt thì 9 người dương tính với SARS-CoV-2. Bản thân Tr mắc COVID-19 hồi đầu tháng 5 và đã điều trị 10 ngày trong bệnh viện. Nhờ được Ban chống dịch cộng đồng gọi điện tư vấn nên em đã ổn định được tinh thần khi nhiễm bệnh.
Em được cộng đồng giúp nhập viện chữa trị và cũng được cộng đồng “hỗ trợ một khoản tiền để mua đồ ăn”. Em được miễn toàn bộ chi phí điều trị trong bệnh viện nhờ quy định điều trị miễn phí của Nga đối với bệnh cộng đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, em cho biết khi bị bệnh cần bình tĩnh, nên cách ly để tránh lây nhiễm cho người khác.
Em Th. sinh viên năm thứ 4 Đại học Lâm nghiệp St. Petersburg cũng đã nhập viện điều trị 14 ngày. Em chia xẻ “Ban chống dịch cộng đồng đã hỗ trợ bọn em rất là nhiều”. Khi biết mình bị nhiễm bệnh, Th rất “lo và run” vì là sinh viên nước ngoài, từ về y tế lại không biết nhiều.
Em cho biết đã bị ngất trong nhà vệ sinh bệnh viện nhiều lần và các bác sĩ phải cấp cứu. “Em tiêm đến 20 mũi, có bạn phải tiêm đến 30 mũi”. Tuy nhiên được các bác sĩ Nga tận tình chữa trị em đã khỏi bệnh và do được Ban chống dịch cộng đồng tuyên truyền giác ngộ, khi ra viện về ký túc xá em tự động tự cách ly thêm 14 ngày.
Em Th cũng đề cập đến hành động tri ân các bác sĩ Nga trên tuyến đầu chống COVID-19 của cộng đồng người Việt ở St. Petersburg. Những động thái chân tình, kịp thời này đã giúp khích lệ các bác sĩ Nga đồng thời tạo ấn tượng tốt, mối quan hệ gần gũi cho cộng đồng.
Thông qua cộng đồng, chúng tôi tiếp cận với Bác sĩ trưởng Bệnh viện Pokrov của thành phố, bà Marina Bakholdina, người vinh dự là 1 trong 5 bác sĩ được Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì có công trong cuộc chiến chống COVID-19.
Đáng tiếc là vào thời điểm đó bà Bakholdina không ở St. Petersburg. Tuy nhiên, bà Bakholdina đã yêu cầu một bác sĩ chuyên khoa là chị Maria Kiseleva tiếp và trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Chị Kiseleva chia sẻ cộng đồng Việt Nam đã giúp đỡ bệnh viện rất nhiều, cung cấp đồ bảo hộ cá nhân cho các y, bác sĩ trong những ngày đầu thiếu thốn “đúng thời điểm chúng tôi cần”.
Chị cũng vui mừng khi tất cả các bệnh nhân COVID-19 người Việt bệnh viện điều trị đã xuất viện và khỏe mạnh, đồng thời bày tỏ “hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ tiếp tục duy trì quan hệ, giúp đỡ lẫn nhau khi cần”.
Đến thăm nhà chị Trịnh Thị Đào, quê Quảng Ninh, một trong những thành viên Ban chống dịch của cộng đồng người Việt, chị Đào chia sẻ Ban chống dịch ra đời rất sớm khi chưa ai trong cộng đồng có biểu hiện mắc bệnh.
Là người đã xử lý nhiều “ca khó nhất”, hay những bệnh nhân ốm nặng nhất, chị Đào cho biết: “Riêng mình can thiệp khoảng 30 người nặng đi bệnh viện, tư vấn cũng nhiều. Có những trường hợp đến bệnh viện thì khó thở, nôn mửa, phổi bị ăn sâu, nhẹ thì 25%, nặng thì 40% song đến nay đều đã khỏi bệnh”.
Kể về giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh nhất trong cộng đồng, chị tâm sự: “Mình thức rất khuya, dậy sớm và đêm không dám tắt điện thoại. Mình thấy nóng ruột, trên Moskva cũng có người tử vong rồi, nên mình lo cho mọi người”.
Cũng như tất cả các thành viên khác trong Ban chống dịch cộng đồng, “với tâm niệm mọi người Việt Nam đều giống như gia đình của mình”, chị Đào đã nhiệt tình hỗ trợ các sinh viên, nghiên cứu sinh mắc bệnh để “mọi người không có ai bị làm sao cả. Không có ai bị nặng để thành phố không có gì phải buồn”.
Việc tuyên truyền, ổn định tâm lý được Ban chống dịch ở St. Petersburrg đề cao, chính vì vậy đã tạo được sự đồng thuận chung, giúp các bệnh nhân COVID-19 yên tâm và tự giác khai báo, qua đó hạn chế tình trạng lây nhiễm.
Chị Đào cho biết người Việt ở các thành phố khác cũng liên hệ với chị, nhờ tư vấn vì chị đăng kinh nghiệm, hiểu biết của mình lên trang tương trợ. Chị cũng cho hay tình hình nay thực sự đã “dễ thở hơn vì không còn ca nặng, 80-90% bà con đã ổn định” và điều quan trọng là chưa người Việt nào tử vong.
Câu chuyện của chúng tôi với gia đình chị Đào và những người trong Ban chống dịch cộng đồng người Việt ở St. Petersburrg thực sự cởi mở, khác với lúc tiếp cận ban đầu, khi phải thuyết phục những người đã làm khá nhiều cho cộng đồng song ngại “báo chí” này.
Vậy là một lần nữa, tình người nơi xa xứ là điểm tựa vững chắc để cộng đồng người Việt ở nước ngoài vượt qua những khó khăn trong kỳ COVID-19. Hơn thế, giờ đây, sau khi nhiều người đã vượt qua bệnh tật nhờ cái tình “máu đỏ da vàng” họ càng thấm thía rằng khi nối vòng tay lớn, khi chung sức, đồng lòng, người Việt sẽ vững vàng hơn, tự tin hơn ở nước ngoài.
Bài, ảnh: Duy Trinh – Trần Hiếu (P/v TTXVN tại LB Nga) - baotintuc