Doanh nhân gốc Việt tâm huyết vì cộng đồng tại Ba Lan
Không chỉ là người thành công trên thương trường, ông Tuấn còn được cộng đồng người Việt tại Ba Lan quý mến bởi sự thân thiện và tâm huyết.
Ông Trần Anh Tuấn, thường được gọi là Tuấn Tomek, sinh năm 1964, quê ở Nghệ An. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp ngành Toán ứng dụng tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân về làm việc tại Viện khoa học Việt Nam. Ba năm sau, ông sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh.
Ngã rẽ thời cuộc và bản lĩnh một doanh nhân
Cuối những năm 1980, trong bối cảnh khó khăn của các nước Đông Âu, hàng dệt may giá thấp đến từ châu Á có một sức hút mãnh liệt tại thị trường này, mở ra một cuộc cách mạng về giá tại thị trường Ba Lan.
Năm 1992, sau khóa học tiếng Ba Lan ở thành phố Lodz, ông Tuấn nhận thấy những cơ hội làm ăn do thời cuộc mang lại. Vì thế, ông quyết định khép lại việc học, làm thủ tục bồi thường kinh phí học bổng cho nhà nước rồi bước ra “lặn ngụp” chốn thương trường. “Đây có lẽ là quyết định khó khăn và day dứt nhất trong đời tôi”, ông Tuấn tâm sự.
Từ hai bàn tay trắng, ông Tuấn khởi nghiệp bằng việc kinh doanh nhỏ lẻ hàng dệt may châu Á như nhiều người Việt ở Ba Lan thời đó. Bằng bản lĩnh và sự năng động của mình, ông Tuấn đã thành công trong các vụ kinh doanh hàng may mặc.
Cho đến giữa năm 2004, Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu (EU) nên các tuyến biên giới được mở thông, ông Tuấn bắt đầu tìm tòi hướng đầu tư mới. Lúc này, biệt danh Tuấn Tomek đã được nhiều người Việt tại Ba Lan, Czech và Đức biết tới như một doanh nhân Việt Nam thành công nơi xứ người.
Ông Tuấn quan niệm thành bại không phải là thước đo duy nhất của sự nghiệp, quan trọng nhất vẫn là tổng thể những đóng góp cho cộng đồng vì sự tiến bộ. Và quả như vậy, bên cạnh các hoạt động kinh doanh bận rộn, ông Tuấn luôn dành thời gian và tâm huyết cho những giá trị chung mà ông hướng tới.
Tâm huyết với cộng đồng Việt trên đất khách
Không chỉ là người thành công trên thương trường, ông Tuấn còn được cộng đồng người Việt tại Ba Lan quý mến bởi sự thân thiện và tâm huyết. Ông là phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan từ ngày đầu thành lập năm 1999 và hiện kiêm nhiệm chức Tổng thư ký. Ông cũng là Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Ba Lan từ năm 2001 đến nay.
Hiểu rõ những khó khăn của người Việt Nam trên đất khách, nhất là những lúc ốm đau, bệnh tật, tháng 10/2009, ông Tuấn cùng một số người có trách nhiệm đã thành lập 1 trung tâm y tế tại Warsaw, lấy việc hỗ trợ cộng đồng làm mục tiêu chính trong hoạt động. Đây là trung tâm y tế bài bản đầu tiên do người Việt thành lập tại Ba Lan.
Trung tâm y tế do ông Tuấn cùng một số người Việt thành lập ở Warsaw. (Ảnh: Nguyễn Thức Tuấn)
Các hoạt động chung của cộng đồng người Việt tại Ba Lan hầu như không thiếu vắng vai trò trụ cột của ông Tuấn. Ông từng là trưởng ban tổ chức cho nhiều hoạt động lớn của cộng đồng như Tết cổ truyền Việt Nam, Kỷ niệm Ngày quốc khánh Việt Nam, các cuộc thi người đẹp Việt Nam tại Ba Lan, tổ chức giải golf Ba Lan mở rộng hay các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương,…
Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã hình thành và hoạt động suốt gần 20 năm qua. Những người như ông Tuấn đã âm thầm đặt nền móng, dành thời gian, tâm huyết, lẫn vật chất để duy trì hoạt động của Hội, và cộng đồng người Việt tại Ba Lan nói chung. Nhiều người gọi vui ông Tuấn là “người vác tù và hàng tổng” của cộng đồng Việt tại Ba Lan.
Ước tính hiện có khoảng 40.000 người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Ba Lan. Cộng đồng Việt ở đây phát triển ổn định và hội nhập ngày càng sâu rộng.
Nói về định hướng phát triển của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, ông Tuấn bày tỏ tâm huyết: “Tôi mong rằng cộng đồng người Việt tại Ba Lan luôn đoàn kết, hội nhập tốt để trở thành một cộng đồng dân tộc chính thức tại Ba Lan, có tiếng nói lớn hơn, cùng góp phần xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa hai quê hương, đất nước”.
VTV