Hỗn loạn sau khi tòa tuyên tử hình ‘người nông dân cầm súng’ ở Đắk Nông
Ông Đặng Văn Hiến bị tuyên án tử hình trong phiên tòa sơ thẩm ngày 3/1/2018.
Ngày 3/1, sau khi Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình đối với nông dân Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng tranh chấp đất đai hồi năm ngoái, nhiều người dân đã gây hỗn loạn ngay trước cửa tòa án để phản đối phán quyết của tòa.
Sau vụ Đoàn Văn Vươn, đây là vụ án “người nông dân nổi dậy” gây nhiều chú ý nhất trong dư luận gần đây. Theo Đài truyền hình Đắk Nông, ngoài thân nhân những người bị hại, rất đông người dân địa phương đã đến theo dõi phiên tòa sơ thẩm từ sáng sớm trong hai ngày 2/1 và 3/1.
Bước đường cùng
Báo Dân Trí cho biết sau khi tòa tuyên án, nhiều người dân đã bật khóc vì thương cho những đứa con của ông Đặng Văn Hiến.
Nhiều người dân theo dõi vụ xử án qua mạng cũng bày tỏ phẫn nộ khi tòa tuyên án phạt nặng nhất cho nhóm nông dân, những người mà theo họ đã bị “dồn đến bước đường cùng” mới phải dùng đến súng.
Luật pháp, các cơ quan công quyền, bao gồm tòa án, viện kiểm sát…, đã không bảo vệ được cho người dân mà chính họ lại trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân. Cho nên, người dân bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình.Trịnh Bá Phương
Ông Trịnh Bá Phương, một nhà hoạt động về quyền đất đai được biết tiếng ở Việt Nam, nói bản án tử hình là quá bất công.
“Giống như những kẻ trộm, kẻ cướp xông vào cướp thì người dân có quyền tự vệ bằng mọi biện pháp để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình. Với vụ ở Đắk Nông, ông ấy cũng bảo vệ tính mạng của mình và gia đình khi bị lực lượng [công nhân] ném đá vào trong nhà. Cho nên tôi thấy việc đó chỉ là tự vệ và mức án tử hình là quá bất công”, ông Phương nói.
Vụ nổ súng “giữ đất” của nhóm nông dân xảy ra tại tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, vào ngày 23/10/2016, khi công nhân công ty Long Sơn vũ trang gậy gộc, khiên chắn, bao đá… đến cưỡng chế đất, san ủi, hủy hoại vườn cây của người dân để thực hiện các dự án nông lâm nghiệp.
Trước đó, nhóm công nhân của công ty Long Sơn đã được tập dợt và trang bị để đối phó với tình huống người dân phản kháng việc cưỡng chế.
Khi hơn 30 công nhân và 2 xe ủi, 1 máy cày của Công ty Long Sơn kéo đến san ủi vườn điều, cà phê, vốn là toàn bộ tài sản của các nông dân nên họ đã dùng súng tự chế bắn 2 phát chỉ thiên cảnh cáo. Tuy nhiên, công nhân Long Sơn không những không dừng lại mà còn tiếp tục ném đá, tấn công nông dân, dẫn đến hành động bắn trả của ông Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình.
Vụ nổ súng đã khiến cho 3 người chết tại chỗ và 13 người khác bị thương.
Ông Đặng Văn Hiến sau đó bỏ trốn, nhưng theo lời khuyên của nhiều người, ông quyết định ra đầu thú để được “hưởng sự khoan hồng của pháp luật”.
Ngày ông ra đầu thú, nhiều người đã rơi nước mắt, trong đó có cả những viên công an đi còng tay ông.
Bị kích động tinh thần
Tại phiên tòa ngày 3/1, các bị cáo nói họ đã bắn vào nhóm công nhân trong trạng thái tinh thần bị kích động.
Một trong những luật sư bào chữa cho các nông dân, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, phát biểu trên trang Facebook cá nhân rằng ông “thất vọng” với quyết định của tòa án.
“10 năm bị ‘áp bức’ bởi công ty Long Sơn, nhiều người dân bị tù tội vì chống lại công ty Long Sơn, hàng chục ha rẫy đã bị san bằng nhiều năm qua, trong hoàn cảnh tài sản bị hủy hoại, tính mạng bị đe dọa… là không bị kích động sao? Hiến đã nổ súng chỉ thiên 2 phát, nhưng bọn chúng vẫn xông vào tấn công là không bị kích động và phòng vệ sao?”, LS. Hưng viết.
Ông Ninh Viết Bình bị tuyên án 20 năm tù.
Trả lời VOA tối 3/1, LS. Nguyễn Văn Quynh, một luật sư khác bào chữa cho các nông dân, nói những quy định luật pháp mới không cho phép ông thông tin và cập nhật về phiên tòa tại Đắk Nông.
“Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự mới vừa có hiệu lực ngày 1/1/2018, phát ngôn của luật sư bây giờ rất bị hạn chế, bị siết lại ghê gớm”, lời LS. Quynh.
Theo Báo Dân Trí, kể từ sau khi “người nông dân cầm súng” Đặng Văn Hiến bị bắt, người dân ở tiểu khu 1535 đã thay nhau chăm sóc cho gia đình của ông Hiến, là hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất, với con trai chưa tròn 2 tuổi ngày ông bị bắt đi.
Sau khi tòa tuyên án, một người dân khẳng định với Dân Trí rằng “Nếu chú ấy phải chết, chúng tôi sẽ góp tiền nuôi hai đứa con của chú ấy đến khi trưởng thành”.
Bản án răn đe?
Theo nhận định của nhà hoạt động Trịnh Bá Phương, hệ thống công quyền kết hợp với các nhóm lợi ích đang là nguyên nhân dẫn đến những vụ “nổi dậy” tiếp diễn của người nông dân tại Việt Nam.
10 năm bị ‘áp bức’ bởi công ty Long Sơn, nhiều người dân bị tù tội vì chống lại công ty Long Sơn, hàng chục ha rẫy đã bị san bằng nhiều năm qua, trong hoàn cảnh tài sản bị hủy hoại, tính mạng bị đe dọa…LS. Nguyễn Kiều Hưng
Ông Phương nói: “Luật pháp, các cơ quan công quyền, bao gồm tòa án, viện kiểm sát…, đã không bảo vệ được cho người dân mà chính họ lại trở thành công cụ đắc lực cho các nhóm lợi ích cướp đất của dân. Cho nên, người dân bắt buộc phải sử dụng biện pháp cuối cùng là sử dụng súng để bảo vệ mảnh đất của mình”.
Ông Phương cho rằng bản án tử hình trong vụ Đắk Nông mang tính chất răn đe nhưng sẽ khó ngăn được làn sóng nổi dậy của người nông dân trong tương lai.
“Bản án này cho thấy rõ nhà nước Cộng sản đang muốn kết án thật nặng để nhằm ngăn chặn làn sóng tái diễn trong tương lai. Tuy nhiên theo tôi, kết án tử hình như vậy cũng không làm thay đổi được thực tế hiện nay có hàng triệu người dân đang bị cướp bóc đất đai sẽ không vì bản án này mà dừng đấu tranh. Thậm chí, xung đột đất đai trong tương lai sẽ xảy ra rất nhiều”.
Trong vụ án ở Đắk Nông, ngoài ông Đặng Văn Hiến, 47 tuổi, bị tuyên án tử hình, các nông dân khác tham gia trong vụ nổ súng đều bị tuyên phạt từ 9 tháng đến 20 năm tù giam.
Khi được nói lời cuối cùng trong phiên sơ thẩm ngày 3/1, ông Ninh Viết Bình, 35 tuổi, người bị tuyên án 20 năm tù, đã bật khóc và nói “nếu không có Công ty Long Sơn thì hôm nay các bị cáo đã không phải có mặt tại tòa, đã không gây ra tội lỗi”, theo Người Lao Động.
VOA