Ký ức tuổi thơ ngày Tết
Một mùa Xuân lại về trên đất khách trong thời tiết giá lạnh. Bất chợt, những kỷ niệm buồn vui của mùa Xuân năm xưa lại hiện về như một trang nhật ký đầy hoài niệm. Bao nhiêu năm qua, vậy mà kỷ niệm về mùa Xuân thuở ấy vẫn còn đọng lại mãi trong tim tôi…
Đại gia đình tác giả Nguyễn Thành Tòng sum vầy đón Tết |
Sắp đến Tết Nguyên đán… Sống ở nước ngoài cũng đã gần nửa đời người, năm nào cũng nói sẽ về thăm nhà trong dịp Tết mà đến nay vẫn chưa thực hiện được ý muốn, nhưng rồi tôi cũng thấy được an ủi phần nào khi nhớ lại những ký ức tuổi thơ trong ngày Tết.
Hồi đó, cứ đến gần ngày Tết, nội tôi lại chuẩn bị nồi bánh tét truyền thống của gia đình, người háo hức nào chọn, rửa lá chuối, ngâm gạo, làm nhân bánh… Tôi không bao giờ quên trong kí ức cái khung cảnhđầm ấm lúc đêm khuya, lũ trẻ chúng tôi quây quần bên nồi bánh tét để canh lửa, trong tiếng lách tách của củi khô và tiếng sôi sùng sục của nồi bánh, được nghe bà kể bao nhiêu là truyện: truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai… Những truyện vần, nội tôi thường thuộc từ đầu đến cuối, dù có thể nội dung những câu chuyện lũ trẻ chúng tôi không hiểu hết, nhưng chất thơ của chúng qua lời kể ấm áp, chậm rãi của bà cứ từ từ ngấm vào, nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi từ thơ bé.
Lưng còng, tóc bạc, nội tội vẫn xông xáo huy động các con chuẩn bị Tết, cúng Tất niên cho chu đáo. Bộ lư hương bằng đồng được đánh bóng từ ngày hôm trước. Trên ban thờ, một bên đặt chậu mai vàng, còn bên đối diện là dĩa trái cây ngũ quả gồm 5 loại trái cây, đặc biệt trong đó phải có 1 chùm quả sung với ước vọng là sang năm mới gia đình được sung túc. Mâm cơm cúng ngày 30 khi nào cũng có tô thịt và cá kho với nước dừa tươi, vị béo của thịt heo, vị ngọt của nước dừa vàvị đậm đà của nước mắm hòa quyện hoàn hảo, thơm nức mũi; bát canh măng hầm; món chả giò rán và dĩa bánh tét. Kể đến đây, tôi cảm thấy bao tử cào lên, chợt thèm vô cùng chén cơm nóng ăn với miếng thịt kho chín nhừ cùng với cải chua của nội.
Ngày Mùng Một Tết, gia đình sum họp. Ngày Mùng Hai ai muốn làm gì thì làm, nhưng ngày Mùng Một nhất thiết tất cả phải ở nhà,đủ mặt các bậc cha mẹ, anh em, con cháu quây quần trước ban thờ tổ tiên gia đình được trang hoàng lộng lẫy, cùng ôn chuyện xưa và mừng tuổi bà nội. Nội tôi rất là tươm tất, bà mặc áo dài gấm màu tím cà và đi đôi dép cũng bằng gấm màu đen. Bà đứng trước ban thờ cầu khẩn tổ tiên phù hộ cho con cháu dònghọ Nguyễn Đăng. Sau đó, lần lượt vợ chồng bác Hai, ba má tôi và cô Sáu thắp nhang cầu khẩn cho năm mới an bình cho gia đình; rồi đến các con cháu tiếp tục thắp nhang trên ban thờtrongbầu không khí rất thiêng liêng. Sau đó, chúng tôi tuần tự lớn bé quỳ trước bà nội để chúc Tết; nội cũng mừng tuổi mỗi người trong nhàmột phong bì đỏ và những lời khuyên răn, nhắn nhủ đầy thương mến, như: Thằng Hai, mầy không được này nọ! Thằng Năm không được nóng tính, khó coi quá! Con Sáu, thằng Khánh phải thuận thảo! Mỗi lần bây cãi vã là tao muốn cuốn gói đi ở nhà anh Hai… Những lời nói thẳng thắn và thấm thía tình cảm,dù rằng con cái đều lớn và có địa vị nhưng nội vẫn coi như các con còn nhỏ bé. Ôi, thương làm sao… Sau khi người lớn được nhận mừng tuổi của bà thì đến con cháu, đứa nào đứa nấy mắt sáng rực nhìn phong bì đỏ của bà đã chuẩn bị sẵn.Không khí trong gia đình có sự trang nghiêm, long trọng, nhưng cũng không thiếu phần đầm ấm của ngày Tết sum họp. Sau màn nghi lễ, cả đại gia đình chí chóe trò chuyện, quây quần bên mâm cỗ với nào thịt kho, trứng kho, nào gỏi gà rau răm thơm ngất mũi, chả giò giòn rụm, và sau cùng là bánh tét.
Với tôi, khoảnh khắc thiêng liêng của năm mới khi còn thơ ấu, không khí tưng bừng ngoài phố, những lời chúc tụng khi gặp nhau, được mặc quần áo mới đi chơi Tết và đón nhận phong bao lì xì của người thân, sau đó là về quê thắp nhang trên bàn thờ ông bà tổ tiên… những kỷ niệm dấu yêu ấy, tôi không sao quên được.
Cuộc sống hiện nay không còn hương vị Tết thuần túy như xưa, chúng tôi không còn được ngồi trước nồi bánh tét sôi sùng sục với cái ấm áp của ngọn lửa bùng cháy và nghe những câu truyện, những kỷ niệm thuở xưa của bà kể dù năm nào cũng vậy mà vẫn không chán… Bây giờ, dù người không còn nữa, thì hình ảnh của nội - người nắm giữ cái hồn của gia đình - trong ngày Tết xa xưa ấy, con cháu phương xa vẫn mãi nhớ không quên…
Một mùa Xuân trên đất khách nhớ Tết xưa
Nguyễn Thanh Tòng (Pháp) - quehuongonline