Linda Lê: ‘Đọc, viết và lắng nghe thế giới’

Nhà văn gốc Việt là gương mặt nổi bật văn đàn Pháp hiện nay; bà lưu giữ những ký ức tại Việt Nam và dành trọn tình yêu, năng lượng, sáng tạo cho văn chương.

 

Linda Lê (1963) là một trong những nữ nhà văn nổi bật tại Pháp hiện nay. Bà sinh tại Đà Lạt, sang Pháp khi 14 tuổi cùng mẹ. Được biết tới tại Pháp năm 1992 với tập truyện Phúc âm tội ác, sau đó, những tác phẩm khác của bà luôn được đón nhận: Vu khống, Lời tên khùng, Ba nữ thần số mệnh, Tiếng nói, Thư chết, Lại chơi với lửa… Linda Lê còn là một nhà viết tiểu luận, phê bình văn chương tại Pháp. Tiểu thuyết Sóng ngầm là một trong bốn tác phẩm vào chung khảo giải Goncourt 2012.

Linda Lê có cuộc trò chuyện về quê hương, về các tác phẩm, quan điểm về lao động nghệ thuật của mình.

Linda Le: ‘Doc, viet va lang nghe the gioi’ hinh anh 3

 

– Giờ đây, khi tiểu thuyết “Sóng ngầm” xuất bản tiếng Việt, người đọc lại một lần nữa được thấy câu chuyện về nhân vật có gốc gác Việt Nam. Vậy, Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với bà?

– Nước Việt Nam mà tôi vẫn còn giữ lại ký ức, Tổ quốc mà tôi vẫn thường tự nhủ mình dời bỏ để rồi không có ngày trở lại, nước Việt Nam ấy (như Nabokov, người đã di cư tới Mỹ, vẫn từng nhắc đi nhắc lại về nước Nga quê hương ông) không phải một nơi chốn địa lý hay nơi chốn của mọi nỗi hoài hương, mà là một no man’s land mãi ở trong trái tim tôi, và không ai có thể tước được của tôi điều đó.

– Dời khỏi Việt Nam khi 14 tuổi, hành trang bà mang theo là gì?

– Hình ảnh về nỗi cô đơn của bố tôi.

– Lúc còn học ở Việt Nam, bà đã hâm mộ tác phẩm các nhà văn Pháp như Victor Hugo, Balzac… Sở thích ấy có ảnh hưởng như thế nào tới sự nghiệp của bà? Sau này, gu văn chương của bà có thay đổi, và thay đổi ra sao?

– Văn hóa Pháp, khi được khám phá từ một xứ sở xa xôi, thường được gói gọn trong vài tên tuổi nổi tiếng mà ai nấy đều tôn kính. Dẫu giờ đây tôi vẫn còn đọc lại Hugo, Balzac hay Rousseau, thì tôi nhớ, một khi đặt chân lên đất Pháp, mình đã quan tâm nhiều hơn đến các nhà văn mà người ta cho là “bị nguyền rủa”, dẫu tôi không thích cách nói này chút nào, đó là những nhà văn không mấy nổi tiếng, những nhà văn “bên lề”.

Những nhà văn ấy, phải, họ có ảnh hưởng khá quan trọng đến cách nghĩ, cách định hình văn chương và quan niệm về sự tồn tại của tôi.

– Có khi nào bà sáng tác bằng tiếng Việt?

– Hiểu biết về ngôn ngữ tiếng Việt của tôi, thật không may, lại quá đỗi hạn hẹp khiến tôi khó có thể vượt qua rào cản còn ngăn cách tôi với quê hương mình.

– Bà quan tâm như thế nào tới văn chương Việt Nam? Nếu có, tác phẩm nào khiến bà chú ý?

– Tôi rất thích các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, tôi thích cả Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn và Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương. Cách đây không lâu, tôi cũng mới được khám phá, dẫu còn rất khó khăn, một tác phẩm (Nhụy khúc) của một nhà văn trẻ, Đinh Phương, qua sự giới thiệu của một người bạn.

Linda Le: ‘Doc, viet va lang nghe the gioi’ hinh anh 4

– Tại sao trong các tác phẩm của bà trở đi trở lại là những câu chuyện ám ảnh về người cha bị bỏ rơi, câu chuyện của người đứt gãy với quê hương xứ sở, một người mẹ nghiêm khắc…?

– Ám ảnh là nguyên liệu sáng tác của chúng ta. Tôi sẽ không đưa ra câu trả lời bằng những giải thích nhàm chán liên quan tới một vài sự kiện đời tôi. Hẳn sẽ là một sai lầm, tôi nghĩ vậy, khi lẫn lộn giữa điều ghi dấu những rạn vỡ, những gãy đứt, trong tiểu sử của tôi, với điều đã công khai xuất hiện trong các cuốn sách.

Linda Le: ‘Doc, viet va lang nghe the gioi’ hinh anh 6

– Điều gì khiến các tác phẩm của bà thường mang tới cảm giác ngột ngạt, bị đè nén, và nói nhiều về cái chết? Bà có chủ trương tạo ra không khí ấy cho tác phẩm của mình?

– Tôi nói về cái chết, như nói về tình yêu, về khát khao, về nỗi sợ tồn tại trên đời, về hạnh phúc được khám phá Người Khác, được đắm chìm trong sách vở, được tự tạo cho mình cả một thế giới thông qua văn chương, vốn cũng dạy ta khả năng chịu đựng và mang lại cho ta mong muốn không ngừng tự đặt ra các thách thức.

Cái chết là một phần của sự sống, là mặt ngược lại của sự sống mà ta không thể tránh nhìn trực diện.

Linda Le: ‘Doc, viet va lang nghe the gioi’ hinh anh 8

– Tác phẩm của Linda Lê mỏng về dung lượng nhưng có sức ám ảnh lớn. Bà phải dụng công ra sao để tạo ra những con chữ đầy sức nặng đó?

– Đòi hỏi duy nhất: lao động. Không ngừng xem lại những gì ta đã viết.

– Viết bằng tiếng Pháp, nhưng nhiều nhân vật trong sách của bà là người Việt Nam, với những ký ức liên quan đến quê hương Việt Nam. Vậy tác phẩm của bà hướng tới đối tượng độc giả nào?

– Tôi thuộc vào những người không bao giờ nghĩ đến độc giả khi viết. Tôi nghĩ rằng thật chẳng khác nào thua cuộc từ trước. Nếu ta tự vấn độc giả tiềm năng mà mình hy vọng có may mắn chạm tới là ai.

Linda Le: ‘Doc, viet va lang nghe the gioi’ hinh anh 10

– Bà có vạch ra những mục tiêu, đích đến cho sự nghiệp sáng tác của mình? Nếu có thì mục tiêu ấy có ý nghĩa gì?

– Tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, không phải trong “sự nghiệp sáng tác của tôi”, mà trong hành trình tôi băng qua tồn tại: gìn giữ, trong bất cứ việc gì, niềm đam mê của những khởi đầu.

– Trong tác phẩm của bà thường có những chi tiết gợi liên tưởng tới đời thực của Linda Lê. Vậy giữa đời thực và văn chương của bà là khoảng cách bao xa?

– Từ nguyên liệu mang tính tự truyện đến việc sắp xếp chúng vào một cuốn sách là một khoảng cách rất xa. Tôi không chỉ viết tiểu thuyết, mà còn viết cả tiểu luận văn chương, và đôi khi, tôi tự nhủ, chỉ mong sao tiểu sử của mình được gói gọn trong danh sách những cuốn sách mình đã đọc. Điều đó hẳn sẽ nói được nhiều hơn mọi bình luận về cách mà tiểu sử một tác giả dung dưỡng cuốn tiểu thuyết đang trên đà viết của anh ta.

– Công việc thường ngày của bà hiện nay diễn ra như thế nào?

– Đọc, viết, lắng nghe thế giới. Tôi không có nề nếp thường nhật, ngoài thói quen viết và đọc về đêm, khi thành phố đã yên giấc.

‘Tiếng nói’ và cuộc tìm lại bản thân trong lưu đày của Linda Lê

Thoạt tiên, tôi muốn đọc thật nhanh “Tiếng nói” nhưng chần chừ vì tác giả là Linda Lê. Lướt qua một lần rồi gấp lại, để quên cho lần đọc thứ hai, vào hôm nay…

Thu Hiền

Chuyển ngữ: Phùng Hồng Minh
Ảnh nhân vật: Patrice Normand
Đồ hoạ: Châu Châu

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng