Người Việt ở Ba Lan: Giáng Sinh lo âu và mất mát

Một mùa Giáng Sinh đầy lo âu đang đến với một số không nhỏ người thuộc cộng đồng Việt Nam đang kinh doanh ở Ba Lan.

Hiển nhiên, đây không phải là chuyện của tất cả cộng đồng, mà chỉ liên quan đến những người Việt đang làm ăn buôn bán ở Wólka Kosowska, khu thương mại châu Á ở ngoại ô Warsaw gồm cả người Trung Quốc cùng Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người Việt đang làm ăn trong những lĩnh vực khác như kinh doanh nhà hàng, ẩm thực, thì vẫn bình thường.

Nhưng vì đa số người Việt ở Ba Lan sinh nhai bằng nghề buôn bán hàng vải, giày dép và một số mặt hàng khác nên khi vài tuần gần đây Cơ quan Hành chính Thuế Quốc gia của Ba Lan đang kiểm tra gắt gao ở khu vực Wólka Kosowska thì cuộc sống của nhiều người đang bị ảnh hưởng rất nặng nề. Công việc buôn bán của họ hầu như đã bị đình chỉ.

Các nhân viên của Cơ quan Hành chính thuế Quốc gia của Ba Lan đứng kiểm tra khắp mọi nẻo đường ra vào ở khu vực này, khiến khách hàng không dám đến mua hàng cho múa Giáng Sinh năm nay.

‘Nếu các doanh nghiệp cùng hợp tác tốt thì phía Ba Lan sẽ tìm cách thay đổi phương thức kiểm tra, không chặn đường nữa như hiện nay’
Những tổn thất về tài chính – hàng tồn, không dám mở quầy hàng, mở kho để giao hàng bán buôn, chủ hàng không có hóa đơn VAT – thì chưa ai có thể đo đếm hết được, nhưng tổn thất nhiều hơn lại là về tinh thần.

Đó là vì tâm lý các thương lái hiện đay đang rất lo âu, không biết tương lai mình ở Ba Lan sẽ ra sao và có thể nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản.

Đúng thế, việc phá sản rất có thể xảy ra vì khi kiểm tra quầy hàng, nếu chủ quầy không xuất trình hóa đơn mua vào, hoặc trình hóa đơn khống (làm giả hoặc ghi không khớp với thực tế) thì hàng hóa bị tạm giữ ngay lập tức.

Thậm chí cơ quan của Ba Lan còn gỡ cả những mặt hàng đang trưng bày trên các ma-nơ-canh để mang đi.

Hội đoàn làm được gì?

Cách đây không lâu Quỹ Hỗ trợ người Việt Hội nhập tại Ba Lan đã được thành lập và Quỹ này cũng đã tổ chức được một vài buổi hội thảo về một số bộ luật ở Ba Lan liên quan đến người nước ngoài và đã được khá đông đảo bà con đến tham gia.

Như vậy là người Việt cũng muốn học hỏi, tìm cách hội nhập tốt với quốc gia sở tại và làm ăn kinh doanh đàng hoàng mang tính chất lâu dài. Trong Khu Wólka Kosowska có một hiệp hội đã được đăng ký chính thức và đang hoạt động với tên gọi “Hiệp hội hỗ trợ doanh nghiệp vùng Wólka Kosowska – Wólka Center”.

Hiệp hội này đang tích cực tìm cách đối thoại với chính quyền, để giúp bà con người Việt ở khu vực này trở lại yên ổn làm ăn.

Nhiều bạn Việt Nam khác cũng rất tích cực tìm ra hướng đi cho cả cộng đồng. Các bạn đã thu thập được khoảng 4.000 chữ ký, xin chính quyền nhẹ tay, tìm ra biện pháp khác để chỉnh đốn công việc làm ăn ở khu vực Wólka Kosowska không chỉ của những người Châu Á mà của cả những người Ba Lan nói chung.

Hiệp hội nói trên đã có những cuộc gặp mặt với ông Piotr Dziedzic – Giám đốc Ủy ban phòng chống Tội phạm Kinh tế thuộc Bộ Tài chính Cộng hòa Ba Lan và ông Marcin Kopczyk – Giám đốc Sở Hải quan- Phòng thuế tỉnh Mazovia, người đang trực tiếp chỉ đạo cuộc kiểm tra tại Wólka. Những cuộc gặp mặt này có chủ trương cùng thảo luận đưa ra hương giải pháp thích hợp cho cả Wólka Kosowska.

Cảnh sát thuế Ba Lan bịt mặt, mang vũ khí đến kiểm tra hàng vải sợi của người Việt
Mới chiều ngày 21/12 tại Wólka Kosowska, Hiệp hội nói trên cùng các tổ chức cộng đồng khác đã mời được các đại diện của Sở Thuế (KAS) đến nói chuyện với các doanh nghiệp trong khoảng hai giờ đồng hồ.

Những gì có được cho thấy các yêu cầu chính của phía Ba Lan rất cụ thể, gồm có:

Tất cả những người buôn bán ở Wólka Kosowska là phải nộp thuế (thuế VAT, thuế nhập khẩu hải quan…)
Tất cả phải có đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng vào địa chỉ đăng ký. Các công ty phải hoàn thành được việc này trước ngày 06-01-2018. Bên cạnh số quầy phải ghi thêm rõ tên cty, số NIP dán ra ngoài, để tất cả (khách hàng, sở thuế) biết được cty ở quầy đó là quầy nào.
Tất cả mọi giao dịch phải có hóa đơn, nếu khách hàng không lấy hóa đơn (hoặc mua lẻ) thì phải in ra phiếu trả tiền. Các máy thanh toán tiền phải để ở những nơi mà từ ngoài có thể nhìn thấy được, phải hoàn thành được việc này 01-01-2018.
Phải hợp tác và đăng ký với sở thuế mọi kho lưu trữ hàng trong Wólka Kosowska với sở thuế.
Các cơ quan chức năng của Ba Lan sẽ thành lập ngay tại Wólka Kosowska mộtđiểm phục vụ doanh nghiệp (cố gắng để hoạt động từ 06-01-2018). Tại đó, phía Ba Lan cũng có thể trả lời các câu hỏi về pháp lý và nhận các khiếu nại, cũng như tố cáo việc làm lậu.
Phía Ba Lan hoan nghênh sự hợp tác của tất cả mọi doanh nghiệp, để biến Wólka thành một khu vực kinh doanh trong sạch, cạnh tranh lành mạnh chứ không phải là điểm đen như hiện nay.
Phía Ba Lan sẽ làm mạnh tay với mọi dạng hàng hóa lậu, đặc biệt là hàng vi phạm bản quyền và những cty có dính dáng tới việc đó.
Cuối năm, những chủ hàng buôn bán pháo hoa phải đăng ký theo học một khóa học về công việc buôn bán các mặt hàng cháy nổ, để tránh gây ra hỏa hoạn, nguy hiểm.
Chính quyền Ba lan cũng nói việc kiểm tra diễn ra trên toàn Ba Lan, chứ không phải chỉ tập trung vào Wolka hay bất cứ nhóm người nào, đối với phía Ba Lan, tất cả đều được coi như công ty Ba Lan và ai cũng phải có trách nhiệm nộp thuế.


Được biết, phía Ba Lan yêu cầu kiểm tra các đối tác và công ty giao dịch, nếu thấy nghi ngờ thì không được mua hàng của công ty đó.

Phía Ba Lan đã đọc bản thỉnh nguyện thư mà cộng đồng thu thập được các chữ ký ủng hộ và biết rằng có rất nhiều người quan tâm tới thay đổi.

Cũng từ buổi làm việc trên, phía doanh nhân Việt Nam được biết nếu tình hình tiến triển tốt và các doanh nghiệp cùng hợp tác tốt thì phía Ba Lan sẽ tìm cách thay đổi phương thức kiểm tra, không chặn đường nữa như hiện nay, mà sẽ quay ra kiểm tra vào các quầy.

Chính quyền Ba Lan sẽ kiểm tra liên tục cho đến khi nào tình hình được cải thiệnNgô Hoàng Minh
Nhưng nếu các quầy mà kết quả không khả quan, các quầy không bị kiểm tra tiếp tục làm lậu, thì các cơ quan công quyền sẽ lại quay lại chặn đường để kiểm tra và sẽ kiểm tra liên tục, cho đến khi nào tình hình được cải thiện.

Buôn bán ở Ba Lan là phải trả thuế ở Ba Lan, điều này đã là một chuyên hiển nhiên đối với các doanh nghiệp Ba Lan, vậy hy vọng là các doanh nghiệp Việt nam sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, để có thể an tâm kinh doanh và sinh sống lâu dài ở quốc gia này.

Bài thể hiện quan điểm riêng của ông Ngô Hoàng Minh, phiên dịch viên tuyên thệ từ Warsaw. Một số thông tin trong bài do ông Phan Châu Thành cung cấp từ buổi làm việc với phía chính quyền Ba Lan.

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng