Người Việt ở Ukraine nói về tình trạng chiến tranh

Ngay sau khi Ukraine tuyên bố lệnh thiết quân luật, hàng ngàn người Việt đang sinh sống ở đất nước này, đặc biệt là ở thành phố Odessa bị đảo lộn, hoang mang. CTV Thái An viết riêng cho Dân Việt, gửi về từ Odessa.

Biểu tình ở Kiec đòi ban bố tình trạng chiến tranh.

Ngày 26.11.2018, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn sắc lệnh của Tổng thống Poroshenko "Về việc ban bố tình trạng chiến tranh",  sẽ được áp dụng trong thời gian 1 tháng tại 10 tỉnh giáp biên giới Nga và nước Pridnestrovie (Moldova).

Thông tin ban bố tình trạng chiến tranh đã khiến cho cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Ukraine nói chung và thành phố Odessa nói riêng bị đảo lộn, hoang mang. 

Thành phố Odessa, nơi có khoảng 4000 người Việt Nam sinh sống, cũng nằm trong vùng được áp dụng tình trạng chiến tranh. Tại chợ ‘’ki lô mét số 7’’(7 km) - một khu chợ trời lớn nhất châu Âu, nơi tập trung nhiều bà con người Việt buôn bán làm ăn- thông tin về “tình trạng chiến tranh” được lan truyền làm mọi người rất lo lắng.

Bà con người Việt Nam ở đây chủ yếu buôn bán ở 2 hướng: bán hàng vải và đổi ngoại tệ.

“Hôm nay từ sáng không hiểu sao giá đô la Mỹ lên vùn vụt từ hơn 27 grivna (tiền Ukraine) đến 29 grivna làm em trở tay không kịp, có một ít tiền mang ‘’xào xáo’’ để nuôi con bây giờ chịu lỗ. Hỏi ra mới biết là Ukraina chuẩn bị có tình trạng chiến tranh nên mọi người hoảng hốt mua đô la dự phòng” – Chị H. – chuyên đứng ở cổng ra vào đón khách, chia sẻ.

Hàng ngày chị vẫn ra đây từ sáng sớm, với một chiếc ô vừa che nắng mùa hè, che tuyết mùa đông và một chiếc ghế nhựa để ngồi, đó là tất cả trang bị cho “chỗ làm việc” của chị.

“Công việc này cũng vất vả mà lại nguy hiểm. Thời gian gần đây liên tục có các trường hợp người Việt bị trấn cướp, vừa mất tiền, vừa suýt mất mạng. Nhưng bọn em cũng chẳng có lựa chọn khác”- Chị H. phân trần.

Một gian hàng của người Việt ở chợ km số 7, Odessa.

“Trước đây dễ làm ăn, nhiều người Việt lên “ông chủ’’, sau đó một số bị trấn cướp và làm ăn càng ngày càng khó nên bây giờ người Việt chủ yếu “xào xáo”, nhặt nhạnh thôi’’ – Anh T. – chồng chị H. đứng cạnh nói thêm.

“Bọn tôi kém tiếng Nga nên chỉ theo dõi mấy tờ báo Việt Nam. Thấy đưa tin tình trạng chiến tranh cũng không biết thực hư như thế nào nhưng thực sự rất lo lắng. Người thân ở Việt Nam khuyên vợ chồng tôi về nhưng cũng rất khó bởi vì mấy đứa trẻ đang đi học bên này. Về Việt Nam chúng tôi cũng chẳng biết làm gì, vả lại với giá nhà đất như thế thì chúng tôi cũng không có tiền mua” – Anh T. chia sẻ.

Chợ ‘’ki lô mét số 7’’ gồm nhiều khu với hàng ngàn chiếc container xếp san sát nhau làm nơi bán hàng.

Người Việt Nam và người Trung Quốc tập trung chủ yếu ở khu 3 và một khu mà người ta gọi là “khu xà phòng”.

Người Việt chủ yếu bán các loại hàng vải và giầy dép.

“Trước Maidan 2014 riêng tôi “đánh” sang đây hàng vài chục container hàng vải và dép , sau đó một phần trung chuyển đi Moscow, một phần bán tại chỗ rất dễ. Bây giờ hai nước Nga và Ukraine cấm vận, hàng bán tại chợ cũng ế ẩm nên tôi chỉ “đánh” rất ít và bán hàng tồn” – Anh Th. đang đứng bán hàng ở đầu “khu xà phòng” nói.

Anh Th. sang Odessa đã hơn 30 năm theo diện xuất khẩu lao động. Sau khi Liên Xô tan rã, anh và một số người làm cùng nhà máy ở lại làm ăn và sinh sống tại đây.

“Đấy, hàng bán ế ẩm nên cả tuần mới góp được hơn chục ngàn grivna, định mai mua xanh (bà con ở đây thường dùng từ này để chỉ đô la Mỹ) thì hôm nay xanh nhẩy, thôi vẫn đành mua vì biết đâu còn lên nữa”- anh Ph. nói.

Người biểu tình ở Kiev đòi Tổng thống Poroshenko kiên quyết đáp trả Nga.

‘’Gần 5 năm nay tình hình ngày càng tệ, chiến tranh, khủng hoảng, người dân cũng chẳng có tiền mua sắm nên nhà em bán ngày càng ít hàng, có hôm đi không mở hàng. Giờ lại thêm cái “tình trạng chiến tranh” thì chắc sẽ càng tệ. Mà giá xanh lên bọn em cũng không lên giá được, vì lên sẽ chẳng ai mua. Thôi đành giữ giá chịu thiệt vậy” – Chị V.- vợ anh Th. nói thêm.

Đi xuống tiếp một đoạn thì đến mấy cửa hàng bán rau, hoa quả, thịt và hàng khô của người Việt Nam. Mấy năm nay do làm ăn khó nên một số người Việt chuyển về quê thuê hoặc mua đất trồng các loại rau, quả Việt Nam, nuôi gà, vịt để phục vụ nhu cầu của người Việt và dân bản xứ.

“Chúng em dân lao động, không hiểu gì về chính trị. Thấy người ta xôn xao chuyện ‘’tình trạng chiến tranh” gì đó, cũng không hiểu tường tận cái đó là gì. Bọn em bán của nhà làm ra nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng gì. Chỉ mong sao có hòa bình, yên ổn làm ăn thôi” – Chị M.- chuyên trồng và bán rau quả, tâm sự.

“Từ khi có chiến sự, nhà em đã cho thằng con trai lớn đến tuổi nghĩa vụ về Việt Nam rồi. Bên này nhỡ phải đi lính về miền Đông thì rất sợ. Bây giờ lại thêm tình trạng chiến tranh nữa thì chắc cháu ở nhà luôn, không sang nữa. Mà không chỉ nhà em, nhiều nhà người Việt cũng vậy. Một số gia đình có tài chính thì cho con đi Mỹ, châu Âu, còn lại thì cho về Việt Nam” – Chị M.   bộc bạch.

Mấy năm nay sau Maidan và chiến sự ở miền Đông, cộng đồng người Việt ở TP Odessa Ukraina cũng gặp các khó khăn như toàn dân nói chung. Tuy vậy họ vẫn cố gắng bám trụ, làm ăn, dậy dỗ con cái, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và luôn hướng về quê hương, Tổ Quốc. Vì vậy có lẽ họ lại vượt qua được thử thách mới là thời kỳ áp dụng tình trạng chiến tranh và hy vọng vào một ngày mai tươi sáng hơn.

Ngày 25.11, ba tàu của Hải quân Ukraine Berdyansk, Nikopol và Yana Kapa, vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên Hiệp Quốc, vượt qua biên giới biển của Nga một cách bất hợp pháp. Các tàu này không tuân theo các yêu cầu chính đáng của chính quyền Nga.

Nga quyết định sử dụng vũ khí. Cả ba con tàu đều bị bắt giữ cách bờ biển Nga khoảng 20 km.

Trong vụ việc, ba binh lính Ukraine bị thương nhẹ. Họ được chăm sóc y tế, không nguy hiểm cho tính mạng. Nga đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm biên giới quốc gia.

 

 

Theo Secviet.cz

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng