LTS: Rừng là vàng, nhất là giá trị về môi trường. Điều này càng được khẳng định rõ khi Miền trung-Tây Nguyên vừa trải qua thiên tai khủng khiếp. Nhưng thực tế cũng cho thấy, mặc cho lũ lụt-hạn hán mỗi năm một nghiêm trọng, rừng Việt Nam vẫn bị khai thác, đốt phá, cả diện tích và độ che phủ suy giảm nghiêm trọng.
Ở các tỉnh Tây Nguyên, nơi phòng hộ cho cả miền Trung và Đông Nam Bộ, tình trạng mất rừng được báo động liên tục từ nhiều năm, nhưng ngày càng trở nên khó ngăn chặn. Người dân vẫn hàng ngày lấn rừng; doanh nghiệp trực chờ chuyển đổi rừng, chủ rừng quản lý gian dối… khiến các cơ chế, chính sách về lâm nghiệp của Nhà nước không thể phát huy hiệu quả.
Trong loạt bài “Rừng Tây Nguyên trong áp lực phải là vàng”, chúng tôi sẽ nêu những bất cập rất chủ quan và những tiền đề dần xuất hiện, có thể giúp bảo vệ-phát triển rừng bền vững trên cơ sở hài hòa lợi ích kinh tế-môi trường, hài hòa giữa trách nhiệm bảo vệ của chủ rừng và lợi ích kinh tế mà họ thu được.
Bài đầu tiên này sẽ nêu lên thực tế rừng đã tan hoang nhưng trong báo cáo vẫn còn thể hiện những con số đẹp. Đây là điều đầu tiên cần phải khắc phục trên hành trình bảo vệ-phát triển rừng bền vững.
Trời nhập nhoạng tối, cơn mưa lớn vẫn còn đổ xuống vùng biên giới của tỉnh Đăk Lăk, gia đình anh Y Sken Siu đội mưa, sắp xếp cuốc xẻng, dao rựa lên chiếc xe công nông để trở về nhà ở cách đó hơn 20km. Trong ngày, 6 người trong gia đình anh đã hoàn thành việc trồng sắn trên diện tích khoảng 1ha, mà theo Y Sken, là đất do phát rừng từ 3 năm trước.
Trong câu chuyện với phóng viên, Y Sken không ngần ngại nhận mình phát rừng, bởi đây là tình trạng chung, diễn ra ra từ lâu:
- Mình phát rừng chứ. Cỡ 1 ha thôi
- Không có ai ngăn chặn hay sao?
- Không
- Rừng ở đây trước như thế nào?
- Còn cây nhưng cây nhỏ nhỏ thôi. Người ra khai thác cây lớn hết lâu rồi
Theo UBND huyện Ea Súp, toàn huyện hiện có khoảng 76.000 ha rừng, độ che phủ 42%. Cũng theo hồ sơ của huyện, khu vực ven quốc lộ 29, suốt chiều dài gần 30km qua địa bàn xã Chư KBang và Ea Bung, vẫn là rừng, bao gồm cả phần rẫy mà Y Sken và các hộ đang canh tác.
Ông Nguyễn Như Hoàng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp cho biết trên hồ sơ, trong 10 năm (giai đoạn 2009-2019), rừng tự nhiên ở Ea Súp giảm từ 130.000 ha xuống còn hơn 60.000 ha, độ che phủ còn 42%. Nhưng thực tế, mức độ giảm còn trầm trọng hơn rất nhiều. Thậm chí, Ea Súp đã cơ bản không còn rừng: “Bây giờ đi họp, mấy anh cứ nói 42% nhưng cứ đọc ngược lại 24% đi. Bây giờ diện tích rừng cấp xã cung cấp số liệu nhưng vào đó đâu phải rừng đâu, nó hết rồi, không còn gì ở trong đó. Khi về tiếp nhận Hạt kiểm lâm này thì riêng số liệu rừng là mình không nhận, mình không đồng ý số liệu đó. Bởi vì trên thực tế nó hết rồi chứ không còn nữa mà tại sao trên số liệu vẫn còn".
Con số đẹp, thực trạng đáng buồn, cũng là thực tế ở Gia Lai, tỉnh được coi là có diện tích rừng lớn nhất Tây Nguyên.
Theo ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, mới qua tổng kiểm kê được vài năm, mà rừng thực tế đã khác xa sổ sách. Cơ quan chức năng đã làm rõ một số chủ rừng giấu số liệu mất rừng là để để tiếp tục nhận tiền dịch vụ môi trường rừng và tiền ngân sách dành cho chăm sóc, phòng chống cháy rừng. Thanh tra các công ty lâm nghiệp ở Gia Lai trong 2 năm vừa qua, ở đơn vị nào cũng phát hiện rừng ít hơn thực tế cả trăm ha đến cả nghìn ha. Chính vì vậy, thay vì trả lời câu hỏi: “Gia Lai hiện còn bao nhiêu rừng”, ông Nghĩa cho biết, Sở đang tiến hành phúc tra và đang tìm biện pháp để khắc phục căn bệnh báo cáo sai, đã trở thành kinh niên của các chủ rừng
“Máy móc không nói dối. Sai là sai ở chỗ phúc tra, xử lý số liệu nội nghiệp. Có một tâm lý là anh nào cũng sợ số liệu ít hơn số anh nhận là bị kỷ luật, từ đó báo cáo không đúng. Thành ra số liệu sau này không chính xác hoặc chưa chính xác và có thể gọi là số liệu rất nghi ngờ. Thậm chí đôi lúc nói nặng lên là không sử dụng được", ông Nghĩa cho biết.
Theo Bộ NN&PTNT, Tây Nguyên còn khoảng 2,5 triệu ha rừng, độ che phủ gần 46%. Tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên còn không tin các báo cáo của chính mình, Bộ NN&PTNT càng không có cơ sở để tin. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tình trạng rừng ít, số liệu nhiều xảy ra phổ biến từ cấp cơ sở cho đến Trung ương, làm cho các quy hoạch, dự báo và đưa giải pháp quản lý bảo vệ rừng không đạt được hiệu quả
“Mỗi kỳ báo lại khác nhau, chẳng qua là bắt nguồn từ thực tiễn nó không đúng. Thế rồi hết kỳ này chuyển qua kỳ khác, ở cơ sở chuyển lên Trung ương thành ra một loại số liệu như thế. Nếu chỗ này chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật, mãi mãi chúng ta có một số liệu không chính xác", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Nhiều lần làm việc với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc nhiệm vụ khôi phục rừng, nhấn mạnh tính quyết định của việc thực hiện nhiệm vụ này đối với phát triển bền vững. Tạo cú hích để thực hiện nhiệm vụ đó, năm 2016, Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Đến năm 2019, Thủ tướng phê duyệt Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 - 2030, với kinh phí dự kiến trên 28.000 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu không vạch trần việc báo cáo sai sự thật ở nhiều cấp, những "con số mạ vàng" sẽ tiếp tục gây khó cho các nỗ lực của Chính phủ. Thậm chí, việc báo cáo gian dối còn có thể khiến chủ trương, chính sách về lâm nghiệp bị lợi dụng và đi chệch hướng, gây hậu quả khôn lường.
Khi báo cáo vẫn thể hiện những con số ảo, Chính phủ, Quốc hội, có ban hành chính sách như thế nào đi nữa, cũng khó ngăn chặn việc rừng Tây Nguyên tiếp tục bị mất. Trong bài viết thứ 2 với nhan đề “Đằng sau những con số ảo”, chúng tôi sẽ đề cập đến công việc thực tế, động lực giữ rừng, lý do mất rừng ở các đơn vị chủ rừng khu vực Tây Nguyên - nơi khởi nguồn của những con số ảo cũng như trách nhiệm liên đới của chính quyền địa phương trong việc để những thông tin sai sự thật trở thành thông tin chính thức, làm cơ sở tham mưu cho tỉnh và Trung ương xây dựng chính sách lâm nghiệp./.