SÉC BAN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP, ANH CÂN NHẮC TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT DỊCH
Chính phủ Séc cho biến tình trạng khẩn cấp lần này sẽ không hạn chế hoạt động của người dân mà chủ yếu áp dụng hạn chế đối với hoạt động vui chơi giải trí, tập trung đông người.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Prague, Cộng hòa Séc ngày 27/1/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên tại Praha dẫn thông tin từ Hãng thông tấn Séc (ČTK) ngày 30/9 cho biết chính phủ Séc đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề xuất của Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula, có hiệu lực từ 0h00 ngày thứ Hai (5/10) với thời hạn 30 ngày, cùng với các biện pháp hạn chế mới để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong thông báo, Bộ trưởng Y tế Séc Roman Prymula cho biết, quy định của tình trạng khẩn cấp được ban bố lần này sẽ không áp dụng các biện pháp hạn chế hoạt động của người dân như đã áp dụng trong lần trước (từ ngày 12/3) ở giai đoạn đầu chống dịch vào mùa Xuân, mà chủ yếu áp dụng các biện pháp hạn chế đối với hoạt động vui chơi giải trí, tập trung đông người trong thời gian rảnh rỗi và ngày nghỉ đối với những địa phương có mức độ rủi ro lây nhiễm cao.
Cộng hòa Séc không đóng cửa biên giới, các của hàng và nhà hàng vẫn được phép hoạt động, tuy nhiên hạn chế số người và thời gian mở cửa.
Theo đó, kể từ ngày 5/10, chính phủ Séc giới hạn số lượng tham gia đối với các sự kiện tập trung đông người (10 người đối với sự kiện trong nhà) và (20 người đối với sự kiện ngoài trời).
Số lượng người tham dự lễ cưới, lễ tang cũng không quá 30 người và các sự kiện thể thao được tổ chức không có khán giả.
Trong khi đó, Chính phủ cũng yêu cầu đóng cửa các trường phổ thông trung học, trung cấp, cao đẳng để học trực tuyến ở những quận/huyện có mức độ rủi ro cao (màu cam và màu đỏ), những nơi nguy cơ thấp (màu xanh) vẫn học bình thường nhưng không có giờ học hát và thể dục ngoài trời, trong vòng 14 ngày.
Bộ trưởng Y tế Roman Prymula nhấn mạnh, nếu không ban bố tình trạng khẩn cấp, số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 vào cuối tháng 10 tới có thể đe dọa năng lực đáp ứng của các cơ sở y tế.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp là do số lượng trường hợp nhiễm COVID-19 tăng nhanh trong khi hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải. Theo Bộ trưởng Prymula, mục tiêu của việc ban bố tình tranh khẩn cấp là giảm hệ số lây nhiễm hiện nay từ 1.2 xuống 0.8-0.9.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cảnh báo rằng nước này có thể áp đặt thêm các biện pháp để kiềm chế đại dịch COVID-19 lây lan nếu tình hình tiếp tục xấu đi tại Anh.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Boris Johnson thừa nhận: "Chúng tôi không phản đối việc triển khai thêm các biện pháp nếu tình hình dịch bệnh trở nên xấu đi. Hiện nước Anh đang ở thời điểm quan trọng".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh cũng bảo vệ những biện pháp mới nhất mà chính phủ đưa ra trong cuộc chiến chống COVID-19. Ông cho rằng số lượng ca mới mắc COVID-19 và "sự gia tăng" về các trường hợp tử vong cho thấy "vai trò quan trọng của kế hoạch phòng chống dịch."
Ông khẳng định: "Các biện pháp mới cần thời gian để hiệu quả. Vì vậy, tôi kêu gọi sự kiên nhẫn, chia sẻ và hợp tác."
Tuyên bố của Thủ tướng Johnson được đưa ra sau khi Anh thông báo có thêm 7.108 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 30/9, nâng tổng số ca tại nước này lên 453.264 ca. Trong khi đó, số ca thiệt mạng vì COVID-19 là 41.143 ca.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Cố vấn chính về khoa học của chính phủ Anh - ông Patrick Vallance cho biết có khả năng một số loại vắcxin ngừa COVID-19 sẽ có vào cuối năm nay nhưng chỉ là số lượng nhỏ. Do vậy, nhiều khả năng đầu năm sau mới có đủ vắcxin ngừa COVID-19 đáp ứng nhu cầu của Anh./.
Trần Hiếu-Anh Hiển / TTXVN/Vietnam+