Thỏa thuận phút chót liệu có giúp TikTok tránh nguy cơ bị “khai tử” tại Mỹ?

VOV.VN - Tổng thống Donald Trump vừa “bật đèn xanh” cho thỏa thuận giữa hai công ty của Mỹ gồm Oracle và Walmart với nền tảng truyền thông xã hội ăn khách của Trung Quốc Tiktok.

Quyết định phần nào xóa tan lo ngại của Tiktok về nguy cơ bị khai tử  tại Mỹ, kéo theo đó là hiệu ứng domino tại nhiều thị trường khác và hơn hết là ngăn không cho “đốm lửa” căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lan rộng hơn nữa.

 

 

Theo thỏa thuận hiện vẫn đang trong quá trình đàm phán, Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ, trong khi Walmart sẽ đóng vai trò là đối tác thương mại của TikTok. Dự kiến, công ty mới sẽ có trụ sở tại bang Texas, Mỹ và vẫn có tên gọi là TikTok, song hoàn toàn không liên quan tới Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đánh giá đây là một thỏa thuận tuyệt vời khi giúp đảm bảo 100% an ninh quốc gia.

 

 

“Tất cả mọi người sẽ đều cảm thấy hài lòng. Công ty mới sẽ vẫn được đặt tên là TikTok, nhưng chỉ dừng lại ở đó. Một khi hoàn thành, đây sẽ là thỏa thuận tuyệt vời đối với nước Mỹ” - ông Donald Trump nói.

Thỏa thuận phút chót liệu có giúp TikTok tránh nguy cơ bị “khai tử” tại Mỹ? (Ảnh: KT)
Thỏa thuận phút chót liệu có giúp TikTok tránh nguy cơ bị “khai tử” tại Mỹ? (Ảnh: KT)

Đặc biệt, theo hãng tin Blooberg, TikTok đồng ý tài trợ 5 tỉ USD cho một quỹ giáo dục có trụ sở tại bang Texas nhằm đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump là chính phủ sẽ nhận được một khoản tiền nhờ giúp thu xếp thỏa thuận.

Các công ty ByteDance, công ty mẹ của TikTok, Oracle và Walmart cũng xác nhận thông tin. Đại diện của TikTok bày tỏ hy vọng thỏa thuận ba bên sẽ giúp “giải quyết những lo ngại của chính quyền Mỹ về an ninh quốc gia và hóa giải những nghi ngờ về tương lai của TikTok tại Mỹ”. Bộ Thương mại Mỹ ngay cùng ngày thông báo, với những bước tiến đạt được, Bộ này đã quyết định hoãn ít nhất tới ngày 27/9 lệnh cấm tải ứng dụng TikTok tại Mỹ.

 

 

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán thời gian tới cũng được dự báo là không hề dễ dàng. ByteDance ngay trong ngày hôm qua đã bác bỏ thông tin về quỹ giáo dục 5 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trước đó. Hơn nữa, một trong những vấn đề hóc búa nhất hiện nay là định giá TikTok tới nay vẫn chưa ngã ngũ. Theo Hãng tin Bloomberg, con số mà ByteDance đưa ra là 60 tỷ USD, cao hơn so với 50 tỷ USD trước đó.

 

 

TikTok rất được giới trẻ ưa thích và ước tính có khoảng 10 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng 8 đã thông qua một sắc lệnh đặt thời hạn chót đến ngày hôm nay (20/9) để ByteDance, chủ sở hữu của TikTok phải đạt được thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền vận hành ứng dụng tại Mỹ cho một công ty của Mỹ.

 

 

Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ khi gọi đây là một hành vi bắt nạt và cảnh báo sẽ thiết lập một cơ chế nhằm hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài.

 

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh bình đẳng, tuân thủ các quy tắc kinh tế và thương mại quốc tế, ngừng chính trị hóa các hợp tác kinh tế và thương mại thông thường nhằm cung cấp một môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng và không phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ”.

 

 

Theo các nguồn tin, Trung Quốc đang lên danh sách những “thực thể không đáng tin” sẽ chịu trừng phạt từ tài chính đến hạn chế hoạt động hay xuất khẩu trang thiết bị sang Trung Quốc. Đây được xem là phản ứng của Trung Quốc trước một danh sách tương tự của Mỹ nhằm gạt tập đoàn viễn thông hàng đầu Huawei ra khỏi thị trường Mỹ và sau đó là tấn công các ứng dụng truyền thông trực tuyến như TikTok hay WeChat./.

 

 

 

 

Thu Hoài/VOV1

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng