Tìm dư vị phở Việt ở Paris

Hằng – bạn tôi lấy chồng và sang Anh sống đã lâu. Do có nhóm bạn đồng niên ở Pháp nên cô thường hay sang Paris mỗi năm 1-2 lần để vừa đi công việc, vừa tụ tập bạn bè. Mỗi lần đến Pháp, việc đầu tiên cô làm là đi tìm quán phở.
Quán Phở 14 ở Paris
Từ nhiều năm nay, “phở” đã thành một thương hiệu đặc trưng của người Việt. Tại quận 13, các cửa hàng để nguyên tên hiệu bằng tiếng Việt, từ Phở Bờm, Phở 8, Phở New Saigon, Phở Bi-da, Phở 126, Phở Tài, Phở 14, Phở 13…Cô hào hứng kể: “Chưa thể gọi là lê la hết tất cả các quán phở ở Paris, nhưng mình cũng đã đi được một số. Mỗi cửa hàng có một dư vị khác nhau, không thể đòi hỏi phải giống hệt như ở nhà nhưng thật sự, mỗi tô phở cũng khiến mình vơi bớt nỗi nhớ nhà”.
Các trang chuyên đánh giá về du lịch như Tripadvisor hay Foursquare đều cho 4-5 sao với món phở Việt Nam ở Paris. Anh bạn Bernard của Hằng lần đầu từ Đan Mạch đến Paris đã nhất định đòi thử bằng được món phở Việt Nam và anh đã sững sờ sau khi nếm nước dùng, ăn miếng phở đầu tiên. “Tôi chưa từng ăn món nào độc đáo, thú vị và có sức cuốn hút đến như thế này”- Bernard thốt lên.Hằng kể ở London cũng có phở Việt nhưng không hiểu sao, cô vẫn thích hương vị tô phở ở quận 13 Paris, có lẽ vì nó gần giống nhất với vị phở ở Việt Nam. Cô và đám bạn thường hay rủ nhau vào Phở 126 hoặc Phở Bi-da, bởi theo cô, ở Phở 126 có 2 món cô thích nhất là phở và gỏi cuốn. Tô phở nóng hổi với nước dùng màu vàng nhẹ, hơi sánh mỡ và vị rất đậm đà. Phở 126 vừa có vị phở Hà Nội, vừa có dáng vẻ của phở Nam Định. Phở Bi-da thì hấp dẫn bởi nồi nước dùng thơm ngát hương hoa hồi.Phở 14 mang đậm phong cách phở Nam bộ với nước dùng đục, vị đậm và ngọt ăn cùng giá sống và rau ngò. Tại tiệm Phở Mùi, lò nấu phở, thùng nước dùng đặt ở phía trước cạnh quầy tính tiền. Thực khách có thể chứng kiến ông đầu bếp sửa soạn tô phở như thế nào từ luộc bánh, sắp thịt cho đến múc nước dùng chan vào rồi rải hành ngò trên tô phở.Ở ngay trung tâm Paris cũng có một hàng phở được trang trí thuần chất Việt với hình ảnh áo dài, nón lá, tường tre, chủ quán là cô Ly. Khách vào quán cô Ly đa số là người Pháp, họ đặc biệt thích phở. Cô Ly nói hình như người nước ngoài tới Việt Nam ăn phở rồi đi đâu cũng nhớ phở. Nhưng phải phân biệt được phở Việt Nam và phở Tàu, bởi người Hoa họ cũng bán phở, tất nhiên hương vị và cách dùng hoàn toàn khác.Một nhà báo Mỹ đã từng viết trên tờ Wall Street Journal về ấn tượng của mình với phở Việt Nam: “Những năm 1990, phở vẫn còn chưa được nhiều người Mỹ biết tới. Một đầu bếp Mỹ có tên Didi Emmons đã mở quán phở đầu tiên trong bang. Có lần ghé qua ăn thử và quá ấn tượng với món này, cậu sinh viên trẻ là tôi khi đó đã ngay lập tức xin được làm thêm tại cửa hàng. Tôi đã từng làm việc ở nhiều cửa hàng ăn suốt thời đi học nhưng chưa có món nào gây ấn tượng với tôi như phở. Tôi khâm phục cách người ta sáng tạo ra nước dùng của phở, cách người ta thái và chẻ những cọng hành, cách đập gừng làm sao để miếng gừng vừa đủ độ dập và tiết ra hương thơm không quá nhạt cũng không quá nồng. Rồi hằng hà sa số những thứ thảo mộc tinh tế mà người ta dùng để chế vào nồi nước phở. Có những đêm tôi được người chủ quán ở Cambridge giao trông nồi nước dùng, tôi đã say sưa ngắm những bong bóng phập phồng trong nồi nước. Hít ngửi hương thơm tỏa ra, tôi tin rằng đây là thứ nước dùng tinh tế nhất trong thế giới của các loại nước dùng”.Khó có thể xác định phở Việt Nam có từ bao giờ, nhưng cùng bước chân người Việt, phở Việt Nam đã từng bước vươn xa khỏi dải đất hình chữ S, không chỉ giúp người xa xứ vơi bớt nỗi nhớ quê hương mà còn trở thành một biểu tượng ẩm thực đặc trưng của Việt Nam trên toàn thế giới.
BẠCH DƯƠNG

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng