Từ thợ hàn trở thành tỷ phú “lẩu“

TỪ bỏ công việc của một thợ hàn, ông mạnh dạn khởi nghiệp bằng cách mở nhà hàng lẩu, sau lần đầu tiên đi ăn nhà hàng và chứng kiến những bất cập trong cung cách phục vụ cũng như thức ăn tẻ nhạt. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, đến nay ông đã trở thành tỷ phú, quản lý chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng trên khắp Trung Quốc và vươn ra thế giới.


ảnh minh họa
 

Bước ngoặt từ lần ăn tối ở nhà hàng

Zhang Yong, đồng sáng lập và là chủ tịch của Haidilao, một trong những chuỗi nhà hàng kinh doanh món lẩu thành công nhất của Trung Quốc, không quên được cái ngày ông đi ăn ở nhà hàng lần đầu tiên trong đời.

Lúc đó ông mới 19 tuổi, là một thợ hàn ở Jianyang, Sichuan, trong niềm vui được thoát khỏi căng tin chật chội của công ty, đến ăn tối tại một nhà hàng thực sự. Đây là một trải nghiệm hiếm hoi đối với ông vào thời điểm này. Tuy nhiên, ông đã sớm thất vọng vì nhân viên phục vụ ở đây không thân thiện, còn món lẩu thì có hương vị không như mong đợi.

Sau buổi tối đó, một vận mệnh đã làm thay đổi cuộc đời của Zhang và thay đổi cả lịch sử ẩm thực của Trung Quốc: Zhang bỏ việc tại một xí nghiệp máy kéo của nhà nước, sau một cuộc tranh cãi gay gắt với những người phụ trách phân căn hộ cho ông và vợ sắp cưới.

Quyết định phương hướng làm ăn của mình, năm 1994, ông mở nhà hàng đầu tiên quy mô chỉ… 4 bàn. Vậy mà hiện nay, Zhang điều hành chuỗi nhà hàng nổi tiếng nhất nước, chuyên phục vụ món xúp nấu sôi với thịt, hải sản, rau và mì sợi (lẩu).

Nhà hàng Hadilao của ông hiện có 196 đại lý ở 60 thành phố của Trung Quốc, cũng như ở Los Angeles (Mỹ), Tokyo (Nhật), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore.

Trả lời tờ Economic Observer về quá trình khởi nghiệp, Zhang cho biết: “Tôi sinh ra ở một địa phương nghèo và không được học lên đại học. Ngay sau khi tốt nghiệp trường dạy nghề, tôi làm thợ hàn và bỏ việc không lâu sau đó để lập doanh nghiệp riêng. Tôi cùng bạn gái – người trở thành vợ tôi sau này- mở nhà hàng lẩu, có hùn hạp với một người bạn và bạn gái của anh ta.

Tôi không có một đồng xu dính túi, vì vậy những người đó mới là nhà đầu tư thực sự, với số tiền không tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu đồng). Mặc dù không có đóng góp về tiền bạc nhưng tôi gánh vác trách nhiệm là người điều hành và hứa hẹn sẽ tăng giá trị doanh nghiệp lên 150.000 nhân dân tệ trong vòng 5 năm.

Tôi thề là nếu không làm được như vậy, tôi sẽ bồi thường tiền lại cho mọi người. Vào những năm 1990, đây là một số tiền rất lớn đối với những người trong độ tuổi 20 của chúng tôi. Do đó, mọi người đều giật mình trước sự tự tin này”. Những diễn biến sau đó đã vượt xa điều mà Zhang hứa hẹn, thề thốt với các bạn mình.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Zhang không hề hối tiếc vì mình bỏ công việc của nhà nước để ra ngoài lập nghiệp. “Nhà máy đó không làm ra lợi nhuận gì. Nếu tôi không thành lập Haidilao, tôi cũng sẽ phải tìm cái gì đó khác để làm, bởi vì bạn phải tự lo cho bản thân, bạn cần phải ăn để sống”, Zhang nói.

Theo Danh sách các tỷ phú của Bloomberg, Zhang là một trong những tỷ phú mới nhất của Trung Quốc, nhờ nắm giữ 68% cổ phần của Haidilao Catering ở Sichuan và 63% cổ phần của Hai Di Lao Holdings, cùng với 36% cổ phần đại chúng Yihai International, một nhà máy sản xuất gia vị và phân phối thực phẩm cho Hailidao.

 

Sản phẩm của nhà máy này cũng được bán ở Trung Quốc qua mạng lưới Wal-Mart, Carrefour và các nhà bán lẻ khác.

Yang Yingying – nữ phát ngôn viên của Haidilao nói rằng, Zhang từ chối bình luận về giá trị tài sản ròng của mình.

Hương vị đặc trưng và dịch vụ khách hàng tốt

Zhang cho biết, ông có kế hoạch mở rộng và nhắm đến 80 nhà hàng trong năm nay, với 10 cơ sở ở nước ngoài, đưa doanh thu của Haidilao tăng hơn 30%, lên đến 10 tỷ nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) trong năm nay và không có kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước lẫn nước ngoài

Các nhà hàng lẩu ngày càng phổ biến, khi thanh niên Trung Quốc gia nhập tầng lớp trung lưu thường rủ nhau đến đây thưởng thức. Haidilao chuyên về lẩu Sichuan với vị cay, nấu chung các loại thịt, hải sản, nấm, đậu hũ và rau các loại rất được ưa thích.

Tại Haidilao, các bếp lò điều chỉnh lửa được lắp vào mỗi bàn để nước xúp lúc nào cũng sôi sùng sục. Người ta có thể đặt một nồi lẩu với 2 ngăn, được chia cách bằng một tấm kim loại hình cong, biểu tượng âm dương. Một ngăn có thể dùng nước xúp nấu với nấm hoặc thịt gà dùng cho các món ăn vị nhẹ nhàng, trong khi ngăn bên kia là nước lẩu cay, với rất nhiều tiêu cho những ai thích ăn cay nồng. Lẩu không ngăn chia, với tất cả gia vị đổ chung cũng được ưa thích.

Những gì khiến Haidilao nổi tiếng so với các nhà hàng khác, ngoài hương vị đặc trưng, là dịch vụ khách hàng. Khách hàng trong khi chờ đợi có bàn cho mình, sẽ được chăm sóc móng tay hay massage lưng miễn phí. Sau khi ngồi vào bàn, mỗi thực khách sẽ nhận một khăn ngâm nước nóng và tạp dề bảo vệ quần áo.

Nhà hàng cũng cung cấp các túi nhựa để khách bỏ vào đó điện thoại di động, những người đi một mình còn được đưa ra một con gấu bông làm bạn để ăn cho ngon miệng. “Đây là điều quan trọng mà nhà hàng nhỏ đầu tiên của ông thực hiện. Dịch vụ đặc biệt này được triển khai ngay từ khi mới khai trương”, F. Warren McFarlan, GS danh dự tại Trường Kinh doanh ĐH Harvard, đồng tác giả một cuộc nghiên về Haidilao vào năm 2011, cho biết.

Ai cũng có thể làm quản lý

Zhang, cũng như những nhân viên phục vụ của ông đến từ tầng lớp thấp ở vùng sâu vùng xa, biết rất rõ các thách thức mà những người nhập cư phải đối mặt khi kiếm sống tại các thành phố lớn. Do đó, Haidilao sắp xếp nơi ở có máy điều hòa và wifi cho nhân viên của nhà hàng.

Nhà hàng cũng trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ của nhân viên tay nghề cao và các quản lý giỏi. Ngoài ra, còn có một quỹ hỗ trợ thiên tai dành cho gia đình của nhân viên gặp khó khăn khi bị thảm họa tự nhiên ập đến. “Thật không dễ sống đối với một lao động nhập cư gốc nông thôn”, Zhang nói.

Về đội ngũ nhân viên, Haidilao có khuynh hướng đề bạt từ nội bộ. Bất cứ ai, kể cả nhân viên phục vụ bàn và nhân viên tạp vụ đều có thể thăng tiến lên vị trí quản lý. Những người điều hành chi nhánh của họ ở Mỹ thường bắt đầu từ gác cổng nhà hàng. Giám đốc điều hành Yang Xiaoli đã từng làm việc ở đây với vai trò đầu tiên là nữ hầu bàn.

Các quản lý được đánh giá bởi mức độ hài lòng của khách hàng và tinh thần đoàn kết, chứ không phải chủ yếu do lợi nhuận của nhà hàng. “Chúng tôi hiếm khi thuê người từ bên ngoài để làm quản lý. Cho dù bạn có bằng cấp từ ĐH Harvard hay ĐH Bắc Kinh, bạn cũng không nhận được bất cứ sự chiếu cố nào. Tôi thường quan sát những người phục vụ bàn, tôi biết họ đang nghĩ phải làm thế nào để thay thế tôi”, ông nói với nụ cười trên môi.

Tại Haidilao, lương khởi điểm rất thấp nhưng sẽ tăng nhanh chóng với những người đạt được những thành tích tốt nhất. Bằng cách đối xử tốt với đội ngũ nhân viên và chế độ đãi ngộ rất có tình, Zhang đã tạo ra trong họ lòng trung thành hết mực với mình. Zhang mong muốn nhân viên của ông sẽ làm việc cho Haidilao như làm việc cho nhà mình, phục vụ khách hàng như phục vụ người thân của mình.

Nhân viên ở đây có quyền đưa ra ý kiến để nâng cao chất lượng phục vụ, và nếu ý kiến đưa ra hợp lý sẽ được thực thi. Vì theo ông, nhân viên chính là những người trực tiếp phục vụ khách hàng, vì thế họ sẽ biết khách hàng cần gì.

Những nhà quản lý thành công được tạo điều kiện mở chi nhánh. Wang Bin, một lao động nhập cư 32 tuổi đến từ tỉnh Shaanxi, bắt đầu bằng công việc cọ rửa nhà vệ sinh tại Haidilao, từng điều hành một nhà hàng hoạt động 24/24 giờ ở Sanlitun, quận nhộn nhịp của Bắc Kinh và gần đây anh mở cửa hàng chi nhánh đầu tiên của mình tại thành phố ven biển Weihai, Shangdong.

Hiện Wang thu nhập khoảng 50.000 nhân dân tệ (7.281 USD)/tháng, gấp 5 lần mức lương bình quân khi anh làm quản lý nhà hàng ở Bắc Kinh. Anh nói: “Haidilao luôn đối xử công bằng và tạo điều kiện cho mọi người tự phát triển”, Wang nói, “Tôi chưa từng có dự định thay đổi nơi làm việc”.

Vươn ra thế giới

Trong khi Zhang đã quản lý điều hành một cách thành công chuỗi nhà hàng Haidilao trên cả nước, vẫn chưa ai rõ liệu mô hình kinh doanh của ông có thể thành công khi vươn ra nước ngoài hay không.

Tuy nhiên, Zhang vẫn quyết tâm đưa thương hiệu Haidilao ra toàn cầu. Trong một chi nhánh tại Mỹ, trên địa bàn bang Los Angeles, Zhang cho biết ông không lấy gì làm vui khi doanh nghiệp của mình chỉ dựa chủ yếu vào khách hàng Hoa kiều.

Để tìm cách hấp dẫn thực khách đa dạng hơn, ông cho biết các nhà hàng trong tương lai của ông ở Mỹ sẽ chấp nhận bầu không khí như các hộp đêm, với nhạc pop và lập thực đơn tự chọn, ngay cả thiết kế lẩu cá nhân dành cho mỗi thực khách tại bàn

Bây giờ Zhang không còn vướng bận nhiều với hệ thống Haidilao nên ông dùng thời gian để nghiên cứu hoạch định chiến lược cho sự phát triển, với những điều kiện phức tạp của thị trường quốc tế.

“McDonald’s, Coca-Cola và Starbucks đều phản ánh văn hóa Mỹ”, Zhang nói, “Khi kinh tế Trung Quốc phát triển và thế giới bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đất nước này, tôi tin sẽ có cơ hội cho các nhà hàng Trung Hoa ở đây”.

Zhang phân chia thời gian của ông giữa Trung Quốc và Singapore, nơi vợ và con trai của ông đang sinh sống. Từ một chàng trai bắt đầu công việc của một thợ hàn trong nhà máy với mức lương 93 nhân dân tệ (14 USD)/tháng, nhưng đến năm qua ông đã mua một căn hộ cao cấp ở Singapore trị giá 20 triệu USD.

 

đăng bởi: g.i.a.o.d.u.c.t.h.o.i.d.a.i...v.n.

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng