VN trả giá mô hình qua vụ Thăng – Thanh?
Vụ án và phiên tòa xét xử các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và những người khác tại Hà Nội cho thấy Việt Nam đang phải ‘trả một giá’ cho những vấn đề ở nội bộ và thể chế có nguồn gốc ít nhất từ 20-30 năm trước, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam từ Amsterdam nói với BBC.
Trao đổi với Bàn tròn thứ Năm của BBC Việt ngữ hôm 18/01/2018 từ Amsterdam, Tiến sỹ Jonathan London từ Đại học Leiden, Hà Lan, cũng bình luận về khía cạnh có hay không ‘pháp quyền’ qua phiên tòa này, ông nói:
“Ai mà nghĩ là Việt Nam có pháp quyền thì chẳng biết gì về pháp quyền. Pháp quyền thì bộ máy tư pháp hoàn toàn tự chủ, chắc chắn Việt Nam chưa có cái đó.
“Và đại đa số người Việt Nam có đọc, có biết, có tìm hiểu thì cũng biết rất rõ và vấn đề là dân không phải chờ để nhà nước và đảng cố gắng tìm một giải pháp nào đó, mà toàn xã hội phải nỗ lực hơn nữa để gây áp lực cho cả nước Việt Nam để có thể đề cập vấn đề này.
“Bởi vì tương lai của Việt Nam tùy thuộc vào khả năng của người dân, không chỉ là đảng và nhà nước, để đề cập vấn đề tham nhũng một cách hệ thống, hiệu quả và như thế thì mới được.”
‘Đang trả một giá‘
Đưa ra quan sát về Việt Nam thông qua vụ án và phiên tòa đang xét xử các ông Thăng, Thanh và những người khác, ông Jonathan London, người hiện là Giáo sư tại Đại học Leiden, Hà Lan, cho rằng Việt Nam ‘đang trả một giá’, ông nói tiếp với Bàn tròn:
“Tôi thấy Việt Nam hiện nay đang trải qua một quá trình chính trị. Những gì mà chúng ta đang thấy tiếp diễn không phải là vấn đề pháp luật, nó là một chuyện chính trị, một quá trình chính trị. Nó cũng là một cách thức và một hậu quả của một quá trình đã kéo dài khoảng 20 hoặc 30 năm, đó là những nỗ lực của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam để nuôi một giai cấp kinh doanh trong nội bộ bộ máy.
“Và như chúng tôi đã thấy, vì có một số hạn chế của các thể chế trong cả nước, đã có khá nhiều vấn đề, từ vấn đề tham nhũng cho đến vấn đề ngân hàng v.v… [điều] đó cũng đã được phản ánh trong những cạnh tranh trong những vấn đề chính trị ở Việt Nam. Và hiện nay như các nhận xét khác đã đưa ra rồi, Việt Nam đang trả một giá. Tất nhiên, Việt Nam phải cố gắng đề cập [xử lý] vấn đề tham nhũng, nhưng rất nhiều người đã nói đó là một vấn đề hệ thống, một vấn đề không thể được xử lý qua một chiến lược mà chỉ mất vài người.
“Hơn nữa, chúng tôi thấy có một số rủi ro không chỉ đối với chính trị, mà còn đối với nền kinh tế của đất nước, chẳng hạn vấn đề ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh ở bên Đức có khả năng có hậu quả với hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu, là một hiệp định vô cùng quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam, có thể nó sẽ bị mất.”
Theo nhà nghiên cứu này, Việt Nam đang đứng trước nhiều câu hỏi, ông nói:
“Do đó có nhiều câu hỏi mà Việt Nam cần phải trả lời, một là làm sao đề cập vấn đề hệ thống, tham nhũng không phải chỉ là vài người, nó liên quan đến thể chế và thứ hai nữa là dù ai cũng đồng ý phải xử lý vấn đề tham nhũng, thì tầm nhìn về tương lai của Việt Nam là như thế nào?
“Nên cả nước Việt Nam đang thấy một quá trình dù là quan trọng, dù có ý nghĩa lịch sử, nhưng chưa rõ lắm nó sẽ ảnh hưởng tới tương lai của Việt Nam như thế nào, mà chỉ có lo lắng liệu Việt Nam có đủ năng lực để giải quyết một vấn đề liên quan khá sâu đối với thể chế và làm sao những người trong và ngoài bộ máy nhà nước Việt Nam có quan tâm đến vấn đề tham nhũng có thể tác động.
“Bởi vì hiện nay tôi và những người khác lo rằng quá trình chính trị chúng ta đang chứng kiến chưa chắc sẽ giải quyết một cách hiệu quả vấn đề tham nhũng mà đã có một giá rất cao ở Việt Nam,” TS. Jonathan London nêu quan điểm với BBC Tiếng Việt.
BBC