Vụ xe khách tông xe cứu hỏa: Tài xế lý giải việc không đánh lái mạnh
“Lúc tôi phát hiện ra xe cứu hỏa ở phía trước thì khoảng cách chỉ còn là hơn 10m nên tôi có rà phanh và đánh lái một chút, nếu phanh gấp hoặc đánh lái mạnh xe sẽ bị lật thì hậu quả còn nặng nề hơn,…” – anh Đỗ Hùng Mạnh, lái xe khách trong vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nói.
“Lúc tôi phát hiện ra xe cứu hỏa ở phía trước thì khoảng cách chỉ còn là hơn 10m nên tôi có rà phanh và đánh lái một chút, nếu phanh gấp hoặc đánh lái mạnh xe sẽ bị lật thì hậu quả còn nặng nề hơn,…” – anh Đỗ Hùng Mạnh, lái xe khách trong vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nói.
Vụ tai nạn giữa xe cứu hỏa và xe khách xảy ra chiều 18/3, tại tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (địa phận huyện Thường Tín – Hà Nội) đã làm một chiến sĩ Cảnh sát PCCC hi sinh, nhiều người khác bị thương.
Sáng nay (21/3), trao đổi với phóng viên Dân trí, anh Đỗ Hùng Mạnh (SN 1981) – người điều khiển xe khách trong vụ tai nạn nói trên cho biết, như thường lệ, chiều 18/3, anh lái xe chở khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội, do trời mưa và đường trơn nên anh chỉ cho xe chạy tốc độ trên 80 km/h (tốc độ cho phép 100 km/h). Khi xe anh đi đến ngã ba đoạn gần trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, Thường Tín – Hà Nội) thì bất ngờ xe cứu hỏa lao ra nên anh không xử lý kịp và đã xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc như nói trên.
“Lúc tôi nhìn thấy xe cứu hỏa là ở khoảng cách hơn 10m nên tôi không thể xử lý kịp. Thời điểm đó tôi có rà phanh và đánh lái nhẹ, nếu phanh gấp hoặc đánh lái mạnh xe sẽ bị lật thì thương vong còn lớn hơn” – anh Mạnh chia sẻ.
Cũng theo anh Mạnh, thời điểm xe khách gặp nạn, trên xe có khoảng 40 hành khách, may mắn tính mạng hành khách không bị ảnh hưởng.
Anh Mạnh chia sẻ thêm, anh lái xe khách tuyến Thanh Hóa – Hà Nội đã được 8 năm, trước đó anh cũng đã lái nhiều loại xe ô tô, nhưng tình huống tai nạn này là lần đầu tiên trong nghề lái xe anh gặp phải.
Dư luận xã hội mấy ngay nay đang ngóng chờ động thái từ cơ quan chức năng để nắm được kết luận vụ việc này bên nào đúng, bên nào sai. Tuy nhiên, chiều 20/3, lãnh đạo Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, do vụ tai nạn liên quan đến Cảnh sát PCCC nên hồ sơ vụ việc đã được chuyển lên Phòng Hình sự (PC45-Công an TP Hà Nội) thụ lý để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trước đó, như đã đưa tin, khoảng 16h28 ngày 18/3, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội nhận được tin báo từ Trung tâm cứu thương 115 tại khu vực Trạm thu phí Vạn Điểm - Đỗ Xá hướng Hà Nam - Hà Nội trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ va chạm giao thông giữa xe khách và xe tải, có một số người bị thương và mắc kẹt trong xe cần cứu hộ, cứu nạn.
Nhận được tin báo, Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã điều động Phòng Cảnh sát PC&CC số 12 xuất một xe cứu nạn, cứu hộ và 7 cán bộ đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ.
Do vị trí xảy ra tai nạn không thuận lợi và tình hình ùn tắc giao thông hiện tại trên tuyến đường, để tiếp cận hiện trường nhanh nhất, xe cứu hỏa đã thực hiện quyền ưu tiên, đi vào đường ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ. Quá trình chạy, các thiết bị đèn, còi… trên xe cứu hỏa này đều được kích hoạt sử dụng.
Tuy nhiên, trên đường đi, xe cứu nạn, cứu hộ đã xảy ra va chạm giao thông với xe khách 29B-078.43 tại địa điểm gần Trạm thu phí Thường Tín (xã Văn Bình, huyện Thường Tín). Hậu quả vụ va chạm, 1 cảnh sát PC&CC tử vong, 10 hành khách và cảnh sát PC&CC bị thương.
Nguyễn Dương