Công Phượng giá 70 tỷ đồng: Còn cao giá hơn tuyển thủ Thái, Nhật?
Thông tin Công Phượng được chào mua với mức giá 70 tỷ đồng đang gây sốt, nhưng điều đáng nói là CLB chủ quản của Công Phượng là HA Gia Lai chưa nghe đề nghị chính thức, trong khi giá vừa nêu còn cao hơn cả giá chuyển nhượng của các tuyển thủ trình độ tầm châu Á.
Thông tin Công Phượng được chào mua với giá khoảng 70 tỷ đồng (hơn 3 triệu USD) từ một CLB của Thái Lan gây khá nhiều chú ý trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đó không phải là thông tin chính thức, bởi phía CLB chủ quản của Công Phượng là HA Gia Lai cho đến giờ vẫn khẳng định, chưa có bất cứ lời đề nghị nào từ phía các CLB của Thái Lan, hỏi mua Công Phượng.
Nhìn sang bình diện bóng đá Đông Nam Á nói riêng và cả châu Á nói chung, việc chi vài triệu USD để mua một cầu thủ châu Á không phải là con số nhỏ.
Ví dụ, tuyển thủ Nhật Bản Yosuke Ideguchi vừa chuyển đến CLB Leeds United thuộc hạng dưới của bóng đá Anh chỉ với mức giá 750.000 euro (hơn 20 tỷ đồng), tức chỉ bằng chưa đến 1/3 giá chuyển nhượng 70 tỷ đồng vừa nêu của Công Phượng.
Hoặc với 70 tỷ đồng hay hơn 3 triệu USD, các CLB Thái Lan có thể mua vài ba ngôi sao bóng đá hàng đầu của Thái tầm Teerasil Dangda, Siroch Chatthong hay Adisak Kraisorn.
Đấy đều là các ngôi sao tiền đạo hay nhất của đội tuyển Thái Lan hiện nay, và trình độ chắc chắn phải cao hơn Công Phượng, dựa vào trình độ chung của bóng đá Thái Lan so với bóng đá Việt Nam.
Về mặt chuyên môn, ngay cả ở V-League, Công Phượng vẫn chưa phải là lựa chọn hàng đầu trên thị trường chuyển nhượng bóng đá Việt Nam. Trước đây, cựu HLV Vũ Quang Bảo của Cần Thơ cho biết, nếu phải tốn tiền để mua tiền đạo, ông sẽ chọn mua tiền đạo ngoại, với nhiều ưu điểm rõ rệt hơn so với Công Phượng, thay vì chọn ngôi sao đang khoác áo HA Gia Lai.
Bằng chứng là ở mùa giải vừa qua, tiền đạo số 1 của Cần Thơ là Nsi ghi đến 16 bàn tại V-League, trong khi số bàn thắng của Công Phượng cũng tại V-League 2017 là 7 bàn.
Còn về mặt kinh tế, đúng là Công Phượng hiện là một trong những cầu thủ hiếm hoi có thể tạo sức hút. Tuy nhiên, sức hút đấy lớn đến mức nào thì vẫn cần phải nghiên cứu kỹ?
Bằng chứng là ngay tại V-League, sau mùa đầu năm 2015 lúc Công Phượng mới lần đầu lên đội 1 HA Gia Lai và đá chuyên nghiệp, sức hút và lượng khán giả xem Công Phượng thi đấu hiện giảm dần sau từng năm.
Các sân bóng mà Công Phượng đến không còn gây sốt như hồi cách nay 3 mùa giải. Rồi ngay cả sân nhà của HA Gia Lai là sân Pleiku hiện cũng không còn lấp đầy khán giả ở các trận đấu có Công Phượng thi đấu.
Ở trong nước còn như vậy, thì khó tin rằng Công Phượng được người hâm mộ Thái Lan yêu thích hơn cả người hâm mộ Việt Nam yêu thích anh, và có thể lên cơn sốt vì anh như một bộ phận người hâm mộ Việt Nam từng lên cơn sốt như thế, trong một giai đoạn nhất định.
Không hề vượt trội về mặt chuyên môn so với mặt bằng Thai-League, lại chưa chắc tạo sức hút cao (đồng nghĩa với việc có thể thu về lợi nhuận từ chuyện khai thác hình ảnh), khó tin có đội bóng chịu bỏ ra đến 70 tỷ đồng để có được chữ ký của Công Phượng, đặc biệt là khi bên tung tin đấy ra ngoài chưa hề có bất cứ động thái nào cho thấy họ sẵn sàng đàm phán với CLB chủ quản của Công Phượng.
Kim Điền