Ly kỳ 3 vụ vượt ngục khét tiếng tại Nga
Khống chế trực thăng, đào đường hầm bằng thìa hay hối lộ quan chức là ba trong số những cách mà các phạm nhân khét tiếng sử dụng để bỏ trốn khỏi những nhà tù được canh gác nghiêm ngặt nhất tại Nga.
Vượt ngục bằng trực thăng
Vào một ngày tháng 3/2012, những người lính gác và các phạm nhân tại nhà tù ở vùng Vologda của Nga, nơi cách thủ đô Moscow khoảng 500 km về phía bắc, hoàn toàn bất ngờ khi nhìn thấy một chiếc trực thăng bay lòng vòng trên đầu họ. Thời điểm đó đang là giờ tập thể dục của các phạm nhân.
Những gì xảy ra sau đó được mô tả như trong bộ phim “Điệp vụ bất khả thi”. Trực thăng từ từ hạ độ cao và một trong số các phạm nhân chạy tới, bám vào chiếc thang dây được treo sẵn bên dưới trực thăng. Phạm nhân phải bám rất chắc vào chiếc thang để leo lên trong khi trực thăng sà xuống. Sự việc xảy ra nhanh tới mức lính gác tại nhà tù không kịp có thời gian để phản ứng.
Kẻ chạy trốn sau đó được xác định là Alexei Shestakov, 36 tuổi - người đang chịu mức án 24 năm tù giam với tội danh giết 8 mạng người. Vào thời điểm bỏ trốn, Alexei đã chấp hành được một nửa thời gian thụ án.
Sự việc rốt cuộc cũng được làm sáng tỏ. Khi đang ở trong tù, Alexei đã dùng điện thoại di động để kết nối với bên ngoài và giả vờ thuê một trực thăng Mi-2 với mục đích giao dịch làm ăn. Hai đồng phạm của Alexei ở bên ngoài, gồm một người đàn ông và một người phụ nữ, đã lên chiếc trực thăng này và dùng súng khống chế, buộc phi công phải đưa máy bay tới nhà tù nơi Alexei đang bị giam giữ.
Sau một hồi truy tìm, cảnh sát đã phát hiện trực thăng Mi-2 nằm ở khu vực ven Vologda. Trong khi đó, phi công được phát hiện cách đó vài km trong tình trạng bị trói tay và bịt miệng. Về phần Alexei, cảnh sát đã tóm gọn tên này chỉ vài giờ sau khi phát hiện một chiếc xe ô tô do hắn cùng đồng bọn sử dụng. Trong quá trình đấu súng với cảnh sát, Alexei đã bị thương.
Sau khi bị bắt trở lại, tòa án ở Nga đã quyết định kết án Alexei thêm 12 năm tù so với thời hạn cũ vì tội danh âm mưu bỏ trốn. Hai đồng phạm của tên này cũng lần lượt chịu mức án 11 và 12 năm tù.
Ngoài ra, phó giám đốc nhà tù nơi Alexei bỏ trốn cũng bị kết tội. Ông này chịu mức án 4 năm tù giam vì hành vi nhận hối lộ để đối đãi đặc biệt Alexei, từ đó cho phép hắn được ở trong buồng giam riêng và được phép sử dụng điện thoại di động.
Đào hầm bằng thìa
Được xây dựng từ thế kỷ 18, nhà tù Butyrskaya ở thủ đô Moscow là một trong những nhà tù lâu đời nhất tại Nga. Việc nhà tù được xây dựng từ lâu và có “tuổi thọ” đáng kể được cho là nguyên nhân dẫn tới vụ bỏ trốn của 3 phạm nhân vào năm 2001.
Boris Bezotechestvo, Vladimir Zhelezoglo và Anatoly Kulikov là 3 đối tượng bị kết án chung thân với tội danh giết người và hành hung. Trong khi chờ phán quyết của Tòa án tối cao về đơn kháng cáo, 3 phạm nhân đã lên kế hoạch bỏ trốn khỏi nhà tù Butyrskaya bằng cách sử dụng vật dụng vô cùng đơn giản, đó là những chiếc thìa nhôm.
Bezotechestvo, Zhelezoglo và Kulikov đã dùng thìa để đào hầm sâu khoảng 1,5m tới phần móng của nhà tù. Trong quá trình đào bới, 3 phạm nhân này đã tìm cách chuyển phần đất và mảnh vỡ từ buồng giam ra ngoài thông qua các buổi đi bộ thể dục ở sân nhà tù. Các đối tượng đã dùng vải rách để che miệng hố mà chúng đã đào.
Sau khi quá trình đào hầm hoàn tất, cả 3 đã tìm cách tiếp cận với hệ thống cống thoát của nhà tù và cuối cùng ngoi được lên mặt đất ở một khu vực trong thành phố. Ban đầu, cảnh sát không thể xác định được vị trí đường hầm mà 3 phạm nhân đã đào dưới lòng đất để bỏ trốn, vì vậy họ phải nhờ tới sự giúp đỡ của một nhóm chuyên đào xới - những người có thể phát hiện và nắm rõ mạng lưới “mê cung” đường hầm bên dưới thủ đô Moscow.
Rốt cuộc, đường hầm bỏ trốn của 3 phạm nhân nhà tù Butyrskaya cũng được tìm ra, song cảnh sát phải mất thêm một khoảng thời gian nữa trước khi họ phát hiện tung tích của các đối tượng bỏ trốn. Hai trong số 3 người sau đó đã bị bắt tại Moscow, còn tên cuối cùng được cho là bị bắt vài năm sau đó khi đang tìm cách ăn trộm tại một cửa hàng tạp hóa.
Sát thủ bỏ trốn
Vào năm 1995, vụ vượt ngục của sát thủ khét tiếng Alexander Solonik đã phá vỡ lịch sử canh gác cẩn mật suốt hơn 100 năm của trại tạm giam Matrosskaya Tishina - nơi còn được gọi là “Sự im lặng của Thủy thủ” ở Moscow.
Bị cảnh sát Nga bắt giữ năm 1994, Solonik thú nhận đã nhận tiền để tiến hành 12 vụ giết người. Mặc dù phải đối mặt với án tử hình song tên sát thủ này vẫn tỏ ra bình thản đáng kinh ngạc. Hắn đã lên kế hoạch để bỏ trốn khỏi một trong những nhà tù được bảo vệ nghiêm ngặt nhất tại Nga.
Yếu tố then chốt giúp kế hoạch đào thoát của Solonik thành công là sự trợ giúp của một lính gác trại giam - người có thể bị tên tội phạm khống chế hoặc bị mua chuộc bằng tiền hối lộ. Lính gác này đã tuồn cho Solonik một dây thừng, súng và hình nộm.
Vào đêm bỏ trốn, Solonik đã đặt hình nộm lên giường và lấy chăn che kín để đánh lạc hướng. Solonik sau đó đã cùng với lính gác sử dụng dây thừng để trèo từ trên mái trại giam xuống đất.
Cảnh sát Nga sau đó không tóm được Solonik trong khi tên này tìm cách trốn sang Hy Lạp. Sau đó, mối quan hệ giữa Solonik và các ông trùm mafia Nga gặp căng thẳng. Các ông trùm đã phái biệt đội sát thủ tới “lấy mạng” Solonik. Rốt cuộc, Solonik và bạn gái cùng bị giết. Trong khi đó, số phận của người lính gác giúp Solonik vượt ngục cho đến nay vẫn là một ẩn số.
Thành Đạt
Tổng hợp