Ông Putin hé lộ chiến lược đối phó Mỹ với ngân sách quốc phòng eo hẹp
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định rằng việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất vũ khí dường như sẽ là yếu tố then chốt giúp Nga có thể đối phó Mỹ trong điều kiện ngân sách quốc phòng eo hẹp hơn.
Theo RT, trong cuộc họp ngày 22/12 với các quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Nga tại Học viện Tên lửa Chiến lược mới thành lập ở phía đông Moscow, Tổng thống Putin cho rằng hệ thống vũ khí tiên tiến và việc không triển khai quá nhiều lực lượng và khí tài ở các căn cứ nước ngoài là yếu tố cốt lõi giúp Nga có thể triển khai nền quốc phòng hiệu quả, đối phó với các đối thủ như Mỹ trong điều kiện ngân sách trong lĩnh vực này của Nga eo hẹp hơn.
Theo RT, địa điểm diễn ra cuộc họp - Học viện Tên lửa Chiến lược - là nơi đào tạo ra các quan chức, kĩ sư chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân của Nga. Nơi đây được trang bị với đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, tiên tiến thể hiện một phần nào đó chiến lược quân sự của Nga dưới thời ông Putin. Theo đó, Tổng tư lệnh nước Nga cùng các trợ tá thân thiết mong muốn xây dựng một nền quân sự Nga với lực lượng không quá đồ sộ nhưng chuyên nghiệp và được trang bị hệ thống vũ khí hiện đại và có thể chiếm ưu thế trước liên minh quân sự NATO nhờ công nghệ tiên tiến.
“Nga phải là một trong những nước tiên phong, và phải chiếm vị trí số 1 trong một số lĩnh vực, về khía cạnh tạo ra một đội quân thế hệ mới với công nghệ tiên tiến. Đây là vấn đề được ưu tiên cao nhất đảm bảo chủ quyền, hòa bình và an toàn cho người Nga, sự phát triển ổn định của đất nước, theo đuổi một chính sách đối ngoại mở và độc lập, dựa trên lợi ích quốc gia”, ông Putin phát biểu.
So sánh khoản ngân sách quốc phòng 80 tỉ USD với con số trên 700 tỉ USD của Mỹ, ông Putin nhận định nếu Nga muốn thực sự đối phó với Washington thì buộc phải đi theo đường lối phát triển vũ khí một cách chất lượng, không nên chỉ tập trung vào số lượng. Tổng thống Putin cho biết, Nga sẽ không lao vào những cuộc chạy đua vũ trang vô nghĩa tạo gánh nặng cho nền kinh tế hay mở hàng loạt những căn cứ quân sự trên thế giới cũng như cố gắng trở thành “anh cả” của thế giới.
Theo đó, Nga sẽ tập trung vào việc phát triển mô hình quân sự với công nghệ mới thay thế cho mô hình vi điện tử và mô hình kỹ thuật số. Các ứng cử viên cho hệ sinh thái mới này bao gồm công nghệ sinh học, trí thông minh nhân tạo (AI), và công nghệ sản xuất nano. RT nhận định, ông Putin dường như sẽ lựa chọn AI để tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nền quân sự khác trên toàn cầu.
Theo chuyên gia quân sự Aleksey Leonkov, Nga được cho là đã bắt đầu sử dụng AI trong một số vũ khí hay trong quá trình vận hành tác chiến. Ông Leonkov lấy ví dụ về cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, cho rằng Nga đã dùng thuật toán AI để điều khiển, tính toán, tối ưu hóa chi phí và nguồn lực trong các nhiệm vụ vận tải và tác chiến.
Đức Hoàng
Theo RT