Siêu máy bay A380 đối mặt nguy cơ "khai tử" vì không có đơn đặt hàng

Tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus cho biết hãng này có thể phải ngừng sản xuất dòng máy bay thương mại lớn nhất thế giới A380 nếu khách hàng lớn duy nhất là Emirates không có thêm đơn đặt hàng nào. Đây có thể là một tin buồn đối với dòng máy bay từng được gọi là tương lai của ngành hàng không thế giới.


A380 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

A380 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới (Ảnh: Bloomberg)

Nguy cơ bị "khai tử"

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 15/1, ông John Leahy, giám đốc phụ trách kinh doanh của tập đoàn sản xuất máy bay châu Âu, cho biết Airbus sẽ không có lựa chọn nào khác là phải ngừng chương trình A380 nếu hãng hàng không Emirates của Dubai không có thêm đặt hàng mới.

“Chúng tôi vẫn đang thương thảo với Emirates, nhưng thành thật mà nói họ có lẽ là hãng duy nhất có khả năng trên thị trường lúc này để đặt mua tối thiểu 6 chiếc mỗi năm trong giai đoạn từ 8-10 năm”.

Được chính thức “trình làng” vào năm 2007, A380 là máy bay chở khách lớn nhất thế giới, với sức chứa 525 người trong cơ cấu 3 khoang hành khách, hoặc 853 người ở dạng toàn bộ hành khách phổ thông. Với cơ cấu ít người hơn, máy bay có các tiện nghi khác như phòng tắm, quán bar.

“Thú thực, nếu chúng tôi không đi tới một thỏa thuận với Emirates thì không có cách nào khác là ngừng chương trình A380. Nhưng tôi vẫn hi vọng có thể đạt được một thỏa thuận”, ông Leahy nói.

A380 có giá bán trong năm 2018 là 446 triệu USD. Tính tới tháng 12 năm ngoái, Airbus đã nhận được 317 đơn đặt hàng A380 từ 18 hãng hàng không, với 222 chiếc trong số đó đã được bàn giao.

Nhưng đơn đặt hàng gần đây nhất, 3 chiếc A380 từ hãng hàng không ANA (Nhật Bản), diễn ra vào tháng 1/2016 và đó là đơn hàng đầu tiên sau gần 3 năm kể từ đơn hàng “khủng” cho 50 chiếc từ hãng Emirates vào năm 2013. Không có bất kỳ đơn đặt hàng nào cho A380 vào năm 2017.

Cho tới nay, A380 đã tiêu tốn của Airbus khoảng 25 tỷ USD để phát triển. Công ty cho biết để duy trì sản xuất A380, Airbus cần có đơn đặt hàng cho ít nhất 6 chiếc máy bay loại này mỗi năm trong thời gian từ 8-10 năm. Airbus dự kiến sẽ bàn giao 12 chiếc A380 theo kế hoạch vào năm 2018, giảm mạnh so với con số 27 vào năm 2015.

Vì đâu "hết thời"?

Khi Airbus bắt đầu bàn giao A380 một thập niên trước, công ty có trụ sở tại Toulouse (Pháp) xem dòng máy bay này là giải pháp cho sự đông đúc tại các sân bay và nhu cầu ngày càng tăng về đi lại bằng đường không. Airbus cho rằng các đường băng bị tắc nghẽn sẽ tạo ra nhu cầu về các máy bay lớn hơn, vốn có thể vận chuyển nhiều hành khách hơn với các điểm dừng ít hơn. Airbus cũng tin là các máy bay chở nhiều khách hơn có thể cho phép các sân bay đón nhiều hành khách hơn.

Nhưng thay vào đó, các hãng hàng không thế giới đã tránh các sân bay lớn, tăng chuyến tới các sân bay nhỏ hơn và đặt hàng những chiếc máy bay cỡ trung có thể bay trực tiếp giữa các sân bay địa phương. Điều đó lý giải vì sao các máy bay nhỏ hơn và đỡ đắt đỏ hơn được các hãng hàng không thế giới ưa chuộng gần đây.


Nội thất xa xỉ trên khoang hạng nhất máy bay A380 của hãng hàng không Singapore Airlines (Ảnh: Reuters)

Nội thất xa xỉ trên khoang hạng nhất máy bay A380 của hãng hàng không Singapore Airlines (Ảnh: Reuters)

“A380 phù hợp hơn vào năm 1995, trước khi các đường bay được xé nhỏ”, Richard Aboulafia, phó chủ tịch về phân tích tại công ty tư vấn Teal Group Corp ở Fairfax, Virginia (Mỹ), nhận định với hãng tin New York Times.

Ông Aboulafia lưu ý rằng giờ đây có thể bay trực từ Tây Ban Nha đi Washington, D.C mà không phải dừng tại một trung tâm hàng không lớn như London hay Frankfurt.

“Khi các máy bay nhỏ hơn, hiệu quả hơn tràn ngập thị trường, các cặp thành phố mới đang được tạo ra gần như mỗi ngày, cướp cơ hội của các máy bay cỡ lớn”, ông Aboulafia nói.

Gần đây, A380 đối mặt với sự cạnh khốc liệt từ dòng máy bay Dreamliner của hãng chế tạo máy bay Mỹ Boeing. Dreamliner, chở tối đa 330 hành khách, được quảng cáo là hiệu quả hơn, ít tiếng ồn, thân thiện và có thể được sử dụng cho cả các chuyến bay tầm trung và đường dài.

Tính kinh tế của A380 đã cho thấy đây là một bài toán khó, khi các hãng hàng không phải có đủ khách cho mỗi chuyến bay mới có lãi. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã quay sang đặt hàng những chiếc Dreamliner thay vì A380. Điển hình là vào tháng 11 năm ngoái, Emirates đã hủy kế hoạch mua 36 chiếc A380 và thay vào đó quyết định mua 40 chiếc Dreamliner của Boeing.


A380 đối mặt với sự cạnh khốc liệt từ dòng máy bay Dreamliner của Boeing (Ảnh: ABC)

A380 đối mặt với sự cạnh khốc liệt từ dòng máy bay Dreamliner của Boeing (Ảnh: ABC)

Chưa hết kỳ vọng

Tuy nhiên, giám đốc phụ trách kinh doanh John Leahy ngày 15/1 vẫn lạc quan rằng những ngày tươi đẹp nhất của A380 vẫn đang ở phía trước. Ông Leahy cho rằng cứ 15 năm giao thông hàng không lại tăng gấp đôi, điều đó có nghĩa là lý do để vận hành A380 vẫn còn.

Ngoài Emirates, Airbus giờ đây đang kỳ vọng vào Trung Quốc về các đơn đặt hàng mới một khi nhu cầu về các máy bay lớn, đường dài gia tăng. Airbus cho rằng A380 rất phù hợp với ngành hàng không ở các thị trường lớn và các sân bay đông đúc.

Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới vào năm 2020, vượt qua Mỹ, theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA).

Airbus cho rằng các hãng hàng không vận hành những chuyến bay đường dài giữa các trung tâm đông đúc tại London và New Delhi sẽ không có lựa chọn nào khác là phải mua những chiếc máy bay cỡ lớn nếu họ muốn tiếp tục phát triển.

“Nếu mọi người muốn bay, họ cần bay trên những chiếc máy bay rộng hơn. Đó là một chiếc máy bay mà thời cơ của nó sẽ đến”, ông Leahy lạc quan nói.

An Bình

Tổng hợp

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng