Trung Quốc "đả" nhiều "hổ lớn" trong ngành dầu khí, hàng loạt tham quan "ngã ngựa"

Ngành dầu khí là một tâm điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bởi ngoài sự độc quyền, các tập đoàn lớn nhân danh trách nhiệm Nhà nước nhưng lại xem thường lợi nhuận kinh tế chung mà chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm.

 

Báo chí đưa tin về việc bắt giữ “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc

Báo chí đưa tin về việc bắt giữ “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang - cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ngày 12-10-2015, Tòa án TP Hán Giang, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc kết án 16 năm tù đối với nguyên Chủ nhiệm Ủy ban giám sát - quản lý tài sản Nhà nước Tưởng Khiết Mẫn về các tội danh nhận hối lộ, tài sản bất minh, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Ông Tưởng Khiết Mẫn, 61 tuổi, mới giữ cương vị này từ hồi tháng 3-2013, nhưng chỉ 6 tháng sau đã bị điều tra về hành vi tham nhũng, chủ yếu là những sai phạm diễn ra trong thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC), tập đoàn sản xuất dầu khí lớn nhất Trung Quốc, cũng là công ty mẹ của PetroChina, công ty có cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải, Hồng Kông và New York. Theo Nhân dân nhật báo, nhân vật này là Ủy viên đầu tiên trong Ban Chấp hành Trung ương gồm 200 thành viên bị điều tra từ khi Trung Quốc chuyển giao quyền lực tháng 11-2012.

Đáng nói, ông Tưởng Khiết Mẫn có đến 37 năm công tác trong hệ thống dầu khí và hóa chất Trung Quốc. Trong thời gian đó, ông Tưởng đã bao hết mọi công trình xây dựng cơ bản của Công ty Cổ phần Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, nhờ đó trục lợi số tiền khổng lồ lên tới 14 triệu NDT (khoảng 42 tỷ VNĐ). Tính đến ngày 31-8-2013, số tài sản kếch xù trị giá 14,8 triệu NDT của ông ta không thể chứng minh nguồn gốc.

Một bài báo trên Chinadaily cho biết, trong giai đoạn từ 2004-2013, hầu hết các khoản hối lộ ông Tưởng Khiết Mẫn được đưa qua vợ ông ta, một cán bộ của CNPC đã nghỉ hưu. Bà này thường gợi ý với doanh nghiệp có nhu cầu đấu thầu, sau đó yêu cầu cấp dưới của ông Tưởng làm việc trực tiếp. Sau khi tiền được chuyển, bà Tưởng nói với chồng để chồng mình cấp dự án cho doanh nghiệp.

Được biết, trong số tài sản được phát hiện trong nhà của Tưởng Khiết Mẫn, ngoài 1 triệu NDT tiền mặt, có 22 sản phẩm bằng vàng, 23 đồ trang sức và ngọc bích, 23 đồng hồ đắt tiền, tất cả trị giá hơn 10 triệu NDT. Với vai trò đồng hành cùng hành vi tham nhũng của ông Tưởng Khiết Mẫn, vợ và con trai ông ta cũng không nằm ngoài diện điều tra.

Những quan hệ gắn kết, chằng chịt

Ông Tưởng Khiết Mẫn được cho là có quan hệ thân cận với cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang. Dù đã về hưu từ tháng 3-2012 nhưng ông Chu Vĩnh Khang vẫn bị đưa ra tòa và chịu án chung thân từ tháng 6-2015 vì tội lạm quyền, nhận hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia. Cho đến nay, ông Chu Vĩnh Khang là quan chức cấp cao nhất sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc.

Sau khi Tưởng Khiết Mẫn “ngã ngựa”, xem lại lý lịch của ông ta, nhiều người phát hiện ra rằng: Khi ông Chu Vĩnh Khang rời chức Chủ tịch CNPC (1996 - 1998) để thăng tiến trên chính trường, cũng là lúc Tưởng Khiết Mẫn phất lên trông thấy bởi Tưởng là cấp dưới của ông Chu từ khi ông ta là Giám đốc mỏ dầu Thắng Lợi (Sơn Đông). Theo Nhân dân nhật báo, Tưởng Khiết Mẫn từng được ông Chu Vĩnh Khang nâng đỡ, dựa vào đó để giúp người khác giành quyền khai thác hợp pháp mỏ khí đốt, thầu hạng mục máy phát điện turbin khí… Với mối quan hệ khăng khít đó, sau này giữ các cương vị cao hơn, ông Chu Vĩnh Khang vẫn cùng gia tộc của mình kiếm chác lớn từ ngành này.

Ở một nhánh khác, ông Tưởng Khiết Mẫn cũng có quan hệ thân thiết với Bạc Hy Lai - cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, người đã bị kết án tù chung thân vì tội hối lộ, biển thủ và lạm dụng quyền lực. Tưởng Khiết Mẫn được cho là đã sử dụng phương thức đầu tư các công trình hóa dầu quy mô lớn vào các địa phương nơi ông Bạc Hy Lai giữ chức để nâng cao thành tích chính trị, tạo điều kiện cho ông Bạc Hy Lai thăng tiến. Dư luận đã từng xuất hiện những ý kiến thắc mắc quanh việc xây dựng nhà máy lọc dầu ở Trùng Khánh, bởi dầu thô phải chở đến qua đường Myanmar rất tốn kém, nếu xây dựng nhà máy ở các tỉnh ven biển phía Đông Nam thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Chỉ vài tháng sau khi Tưởng Khiết Mẫn bị điều tra, nhiều cán bộ cấp cao của hai công ty này cũng bị bắt giữ. Đáng chú ý, trong số này có Liêu Vĩnh Viễn, Tổng Giám đốc CNPC từ tháng 5-2013, sau đó là Phó Chủ tịch PetroChina từ tháng 5-2014. Liêu Vĩnh Viễn từ chức danh đội trưởng khoan giếng ở vùng sa mạc Tân Cương, rồi Tổng giám đốc mỏ Talimu vào năm 37 tuổi, sau 30 năm đã trở thành “hổ dầu khí miền Tây Bắc”. Theo điều tra, ông Liêu Vĩnh Viễn bị cáo buộc lạm dụng chức vụ để giúp nhiều người chạy chức, nhận hối lộ và quan hệ bất chính. Cuối năm 2016, tại phiên tòa của Tòa án thành phố Đức Châu, Sơn Đông, “hổ lớn” ngành dầu khí Liêu Vĩnh Viễn đã bị tuyên 15 năm tù với cáo buộc nhiều lần nhận hối lộ và sở hữu số lượng tài sản bất minh khổng lồ.

Tương tự, cựu Chủ tịch Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) - một công ty dầu khí Nhà nước khổng lồ khác hồi tháng 4-2015 cũng đã bị bắt vì nghi ngờ tham nhũng. Theo trang Caixin, Vương Thiên Phổ bị nghi đã lạm dụng quyền lực để trao các hợp đồng của Sinopec cho người thân và gia đình mình, đồng thời ưu ái cho Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang trong các thương vụ bán thiết bị.

Làm trong sạch ngành độc quyền dầu khí

Ngành dầu khí là một tâm điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tính đến năm 2015, chỉ trong vòng 2 năm, gần 50 cán bộ, nhân viên của CNPC bị điều tra. Cổng thông tin trực tuyến Sina Finance còn cho biết, thậm chí CNPC đã phải bố trí người dự phòng cho các chức danh cao cấp, đó là những người sẽ tạm thời thay thế, đảm nhiệm công việc của những người bỗng dưng “mất tích” trong một khoảng thời gian nhất định.

Sở dĩ ngành dầu khí quốc gia Trung Quốc bị “sờ gáy” vì đây là một trong những tập đoàn độc quyền lớn nhất. Nói về sự độc quyền này, một quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc phát biểu trong bộ phim tài liệu “Under the Dome” cảnh tỉnh về nạn ô nhiễm môi trường của Trung Quốc cho rằng, có những công ty dầu mỏ thậm chí dọa cắt giảm nguồn cung xăng dầu nếu không đáp ứng yêu cầu của họ. “Không thể kiểm soát các công ty này. Giả sử bạn có đứa con độc nhất và đứa trẻ có biểu hiện hư hỏng. Là mẹ, bạn có thể làm gì? Bạn có thể đánh nó một trận nhớ đời, nhưng không thể đánh mỗi ngày”, quan chức này ví von.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng “nóng” thời gian qua đã tạo điều kiện cho các tập đoàn lớn mở rộng hoạt động tràn lan, nhân danh trách nhiệm Nhà nước nhưng lại xem thường lợi nhuận kinh tế chung mà chỉ quan tâm đến lợi ích nhóm. Theo Huffington Post, cũng bởi các nhóm lợi ích liên quan đến ngành công nghiệp này mà Trung Quốc bị trì trệ về kinh tế, lại chịu thêm tác động lớn về môi trường, trong khi bản thân doanh nghiệp nhà nước đó có dấu hiệu chống lại hoặc lờ đi chỉ thị từ chính quyền Trung ương. Bởi vậy, cuộc chiến chống tham nhũng hết sức quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình những năm gần đây nhắm vào nhiều mục tiêu cùng lúc: Làm trong sạch Đảng từ bên trong và dọn đường cho những cải cách đầy tham vọng.

“Mỗi doanh nghiệp Nhà nước có xu hướng trở thành một đế chế nhỏ. Họ đã trở thành nhóm lợi ích rất mạnh ở Trung Quốc, vì vậy chống tham nhũng trong lĩnh vực này không chỉ hữu ích cho cuộc chiến chống tham nhũng mà còn làm cho chương trình nghị sự của Chủ tịch Tập Cận Bình và chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thực hiện, tuân theo”.

Giáo sư Dương Đại Lợi (Nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ)

Theo Hải Yến

An ninh thủ đô

Các bài mới hơn

Các bài đã đăng