Vụ Kim Jong-nam: Hé lộ từ luật sư phía Triều Tiên
Ngày 30-5, dự khán tại Tòa sơ thẩm Sepang, một luật sư 73 tuổi bất ngờ thu hút sự quan tâm của báo giới Malaysia và quốc tế với lời tuyên bố sau phiên tòa: “Tôi có mặt ở đây để bảo vệ lợi ích của phía Triều Tiên”.
Ông là Jagjit Singh, luật sư kỳ cựu về các vụ án hình sự được Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur liên hệ đại diện bảo vệ cho phía chính quyền Bình Nhưỡng trong vụ án mạng nổi tiếng nhất năm 2017: Nghi án ám sát Kim Jong-nam. Đó cũng là lần đầu tiên ông Jagjit xuất hiện trước tòa, gần hai tháng sau khi được phía Triều Tiên liên hệ. Mãi đến gần cuối năm 2017, những thông tin hậu trường về công việc của ông với phía Triều Tiên mới được tiết lộ một phần nhỏ cho truyền thông.
“Tôi không lo sợ”
Trước đó, vào ngày 13-2, một người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol, được cho là ông Kim Jong-nam là anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đã bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur bởi chất độc thần kinh VX. Những nghi phạm bị bắt giữ không lâu sau vụ án mạng bao gồm Đoàn Thị Hương (công dân Việt Nam), Siti Aisyah (công dân Indonesia) và Ri Jong Chol (công dân Triều Tiên), ngoài ra còn có ba công dân Triều Tiên khác bị tình nghi có liên quan đến vụ án.
Vài tuần sau vụ án mạng chấn động dư luận Malaysia và quốc tế, hai quan chức của Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur đã liên hệ với ông Jagjit Singh. Họ muốn biết liệu vị luật sư hình sự kỳ cựu của Malaysia có lo sợ khi đại diện cho chính phủ Triều Tiên trong “vụ án thế kỷ”, như cách hãng tin điện tử BuzzFeed mô tả, đầu tháng 2 vừa qua hay không.
Ông Singh đã hành nghề trong giới luật sư suốt gần nửa thế kỷ. Tên tuổi của Jagjit Singh gắn liền với thân chủ cũ khét tiếng là Botak Chin, một trong những tội phạm máu mặt và hung hãn nhất Malaysia thập niên 1960 và 1970. Botak Chin đã gieo rắc kinh hoàng trên đường phố với những vụ cướp ngân hàng có vũ trang và chiến tranh băng đảng, làm đau đầu lực lượng chức năng khi đó. Nhân vật này còn tạo được sức ảnh hưởng lớn với cộng đồng người Hoa ở Malaysia, chia tiền cho người nghèo và được mệnh danh là “Robin Hood” hiện đại.
Từng phụ trách một thân chủ “đặc biệt” đến như vậy, luật sư Singh chấp nhận lời đề nghị đại diện cho phía Triều Tiên trong nghi án ám sát Kim Jong-nam. “Tôi không lo sợ” - ông trả lời những quan chức phía Triều Tiên, cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng cũng như bất kỳ thân chủ nào khác của ông đều có quyền được bảo vệ lợi ích của họ, trang tin BuzzFeed thuật lại sau cuộc phỏng vấn với vị luật sư 73 tuổi.
Ri Jong Chol được thả tự do và quay về Triều Tiên không lâu sau khi bị cảnh sát Malaysia tạm giữ để thẩm vấn. Ảnh: AFP
Hạ cánh an toàn
Tiết lộ với trang BuzzFeed, luật sư Jagjit Singh cho biết phía Đại sứ quán Triều Tiên tiếp cận ông không chỉ vì kinh nghiệm tòa án dày dặn mà còn bởi mạng lưới quan hệ rộng của ông tại Malaysia trong hơn 50 năm hành nghề. Nhiệm vụ của ông không chỉ theo dõi các phiên tòa xử hai nghi can Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah trong vụ án mạng chấn động châu Á, mà còn cả việc đàm phán đưa những công dân Triều Tiên bị tình nghi liên quan đến vụ án mạng về nước.
Điều này đã từng được Jagjit Singh thừa nhận trong lần xuất hiện đầu tiên hồi tháng 5, sau phiên tòa tại Sepang. “Chúng tôi làm công việc ở hậu trường, đàm phán với chính phủ để họ chấp nhận cho ba công dân về nước” - tờ Malasyaiakini dẫn tuyên bố của luật sư Singh. Ba người Triều Tiên mà ông nhắc tới chính là chuyên gia hóa học Ri Jong Chol, nhân viên hãng hàng không Air Koryo Kim Uk Il và thư ký thứ hai của Đại sứ quán Triều Tiên Hyong Kwan Song.
Trong phiên điều trần ngày 8-11 vừa qua tại Tòa án thượng thẩm Shah Alam, trưởng đội điều tra vụ án là Wan Azirul Nizam Che Wan Aziz lại tiết lộ các nghi phạm vụ án mạng đã đến sân bay Kuala Lumpur bằng một chiếc xe hơi được đăng ký dưới tên của Ri Jong Chol. Theo lời của điều tra viên, ông Jong Chol đã tự khai rằng chiếc xe được một quan chức Đại sứ quán Triều Tiên là Chal Su mua và nhờ ông đứng tên, tờ Asahi Shimbun dẫn lại thông tin. Tuy nhiên, dù Ri Jong Chol có mối liên hệ với vụ án, cảnh sát vào đầu tháng 3 vẫn quyết định thả tự do cho Ri Jong Chol với lý do thiếu bằng chứng. Phía cơ quan chức năng của Malaysia nói rằng đối tượng tình nghi không xuất hiện trong camera an ninh sân bay cũng như cả Hương và Aisyah đều khai không biết Chol là ai.
Jagjit Singh (phải), luật sư kỳ cựu về các vụ án hình sự được Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur chỉ định đại diện tham dự các phiên tòa về nghi án ám sát Kim Jong Nam. Ảnh: MALASYAIAKINI
Đoàn Thị Hương (công dân Việt Nam) và Siti Aisyah (công dân Indonesia) được cảnh sát đưa đến hiện trường vụ án tại sân bay Kuala Lumpur. Ảnh: REUTERS
Trả lời trang BuzzFeed, luật sư của phía Triều Tiên cho biết ông đã tận dụng các mối quan hệ của mình với các cơ quan chấp pháp của Malaysia để giúp Ri Jong Chol được thả tự do trong vòng 14 ngày kể từ khi bị bắt giữ. Trong một lá thư trao đổi với cơ quan chức năng, ông cũng thuyết phục phía cảnh sát không để bất kỳ sự cố “lạm dụng” nào xảy ra đối với công dân Triều Tiên. Không mất nhiều thời gian để mạng lưới quan hệ rộng của vị luật sư 73 tuổi gặt hái kết quả. Cuối tháng 3, các đối tượng tình nghi Triều Tiên không còn dính líu gì đến cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia. Ri Jong Chol được cảnh sát thả tự do cũng là nhờ vai trò trung gian đàm phán của ông, luật sư Singh xác nhận với trang BuzzFeed. Tuy nhiên, ông không tham gia dàn xếp để Ri Jong Chol và ba đối tượng tình nghi khác rời Malaysia.
Phát biểu tại Bắc Kinh trước khi trở về nước, Ri Jong Chol cáo buộc cảnh sát Malaysia đã trưng ra những bằng chứng “ngụy tạo”, đồng thời chỉ trích nghi án ám sát là một “âm mưu gây hại đến danh dự và uy tín” của đất nước ông. Cùng với chuyến bay chở Ri Jong Chol “hạ cánh an toàn” tại Triều Tiên, mọi khả năng xuất hiện thêm bằng chứng và lời khai về sự can dự của nước này trong “vụ án thế kỷ” đã tan biến, trang BuzzFeed bình luận.
Đến nay, nguyên nhân vì sao xảy ra vụ án mạng kinh động tại sân bay Kuala Lumpur tháng 2 vừa qua vẫn chưa có lời giải đáp. Yếu tố Triều Tiên cũng dần nhạt nhòa trong các diễn biến của phiên tòa. Chính quyền Bình Nhưỡng thậm chí còn từ chối xác nhận người bị giết là ông Kim Jong-nam. Trong những tuyên bố chính thức của mình, Triều Tiên chỉ khẳng định người thiệt mạng là Kim Chol, đúng như tên trên hộ chiếu Triều Tiên, mắc bệnh tim và tử vong cũng vì bệnh tim.
Những ẩn số Trong thỏa thuận với Đại sứ quán Triều Tiên, Jagjit Singh còn có trách nhiệm dự khán những phiên điều trần của vụ án tại Tòa án thượng thẩm Shah Alam, sau đó thông báo lại cho cơ quan ngoại giao này những hé lộ mới tại tòa. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày đầu tiên, vị luật sư 73 tuổi nhận ra việc mình đến tham dự là không còn cần thiết nữa. Các thân chủ của ông tự bản thân cũng có những kênh riêng để theo dõi sát sao diễn biến tại tòa án. “Họ có nguồn tin của riêng họ” - ông trả lời trang BuzzFeed, tiết lộ rằng các quan chức ngoại giao Triều Tiên thường trao đổi trước với ông nhiều thông tin mà chỉ có những ai ngồi trong phòng điều trần mới biết được. Vị luật sư cũng không tiết lộ phía Triều Tiên lấy thông tin của họ từ đâu. Cũng theo Jagjit Singh, phía Triều Tiên cũng đặt ra những nghi vấn của riêng họ về lý do ông Kim Jong-nam đến Malaysia và đã làm những gì nhưng từ chối công khai lời giải thích. Theo những gì vị luật sư này biết, phía Triều Tiên đặc biệt quan tâm đến khả năng điều tra viên trình bày trước tòa nội dung chứa trong hai chiếc điện thoại (một chiếc iPhone và một chiếc Nokia) cùng một máy tính xách tay Dell mà Kim Jong-nam mang theo mình. |